Bên cạnh 3 bộ sách giáo khoa xã hội hóa hiện nay, nhiều ý kiến băn khoăn có nên thêm một bộ sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn hay không.
Lo độc quyền
Không phải đến bây giờ câu chuyện sách giáo khoa (SGK) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn mới được đề cập mà từ Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu nhiệm vụ giao Bộ GDĐT thực hiện một bộ SGK với ngân sách hơn 16 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau đó do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết nên Bộ GDĐT đã xin không tiếp tục thực hiện, đồng thời trả lại số tiền này.
Tháng 8 vừa qua, Đoàn giám sát Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK ở phổ thông lại đề xuất giao Bộ GDĐT làm một bộ SGK. Tuy nhiên, ngay tại nghị trường Quốc hội, đại biểu bày tỏ những ý kiến khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội bày tỏ quan điểm: “Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy rằng vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng nội dung, chương trình, SGK để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống. Nghị quyết của đoàn giám sát thể hiện rõ nội dung này”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc chi 400 tỷ đồng giao Bộ GDĐT làm một bộ sách vừa lãng phí vừa không phù hợp về pháp lý, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tình trạng độc quyền.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng, chỉ còn một năm học nữa quá trình đổi mới chương trình, SGK sẽ được thực hiện đồng bộ ở cả 3 cấp học. Nếu ở thời điểm này, Bộ GDĐT tiếp tục biên soạn thêm một bộ sách sẽ lãng phí và ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa SGK bởi nếu có thêm một bộ sách do Bộ GDĐT biên soạn, phát hành, theo tâm lý chung các địa phương phần lớn sẽ lựa chọn sách của Bộ. Như vậy, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt khi nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa ngay từ ban đầu.
Đây cũng là băn khoăn của ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) khi Bộ GDĐT với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, phải phối hợp với các chuyên gia ngành giáo dục thực hiện giám sát, thẩm định và lựa chọn những bộ SGK chuẩn mực trên cơ sở chương trình chuẩn đã được phê duyệt.
“Nếu Bộ GDĐT tự đứng ra biên soạn một bộ sách, tự Bộ thẩm định, đánh giá và lựa chọn thì không hợp lý và không thể thuyết phục” – ông Tiến nêu quan điểm.
Ưu tiên những việc cấp thiết
PGS. TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhìn nhận, trong lần đổi mới này, Chương trình giáo dục phổ thông mới là yếu tố pháp lý quan trọng nhất, SGK chỉ là học liệu. Việc chủ trì xây dựng chương trình, thẩm định và ban hành, thực hiện triển khai chương trình là quan trọng nhất thì Bộ GDĐT đều giữ vai trò chủ động, chủ đạo. Bộ chủ trì chỉ đạo việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định và phê duyệt SGK, thành lập các hội đồng thẩm định quốc gia, xem xét và phê duyệt các bộ sách đủ chất lượng được Hội đồng thông qua... Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành các Thông tư quy định việc lựa chọn SGK; phối hợp với các địa phương biên soạn, thẩm định và phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương; chuẩn bị thiết bị dạy học…
Về chương trình, SGK của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo ông Thống, dù còn có những vấn đề cần điều chỉnh, uốn nắn; cần sự góp ý... nhưng về căn bản đáp ứng được những yêu cầu quan trọng được nêu trong Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Một vấn đề được nhiều ý kiến thống nhất đó là tại thời điểm này, việc quan trọng nhất là Bộ GDĐT nên tập trung nghiên cứu và triển khai phương án lựa chọn, sử dụng có hiệu quả các bộ SGK đang lưu hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) chỉ ra nếu thực hiện việc biên soạn thêm một bộ sách ngay ở thời điểm này hiệu quả sẽ không cao, vì còn quá nhiều công việc cần Bộ GDĐT làm trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như rà soát, thẩm định những nội dung trong SGK chưa phù hợp với thực tiễn. Tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó cần sớm thống nhất phương án tổ chức thi tốt nghiệp năm 2025 để thầy cô giáo, học sinh an tâm.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đồng tình, Bộ GDĐT với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước cần làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc lựa chọn SGK, không nên can thiệp vào công việc chuyên môn của giáo viên trong việc lựa chọn SGK cho chính cơ sở giáo dục của mình. Ở thời điểm hiện tại cần giữ được sự tin tưởng, đồng lòng và sự vào cuộc của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội để đảm bảo chất lượng giáo dục, đồng thời giảm được sự lãng phí về mặt nguồn lực xã hội khi biên soạn thêm một bộ SGK.