Thị phần bán lẻ cạnh tranh gay gắt

Thanh Giang 08/09/2017 09:25

Song song với sự phát triển của doanh nghiệp bán lẻ trong nước, doanh nghiệp nước ngoài cũng ồ ạt thâm nhập để từng bước chiếm thị phần. Vấn đề đặt ra hiện nay, doanh nghiệp của chúng ta phải xây dựng chiến lược dài hơi và chú trọng tính chuyên nghiệp, chuẩn bị cho cuộc đua sức bền.

Bán lẻ trong nước nỗ lực mở rộng thị trường.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt. Chuyên gia nhượng quyền thương mại Nguyễn Phi Vân cho rằng, sự xuất hiện nhiều chuỗi bán lẻ hiện đang mang đến cho thị trường một sức sống mới. Doanh nghiệp (DN) đang cập nhật xu hướng, chủ động phát triển. Hiện cả nước có khoảng 800 siêu thị, 150 trung tâm thương mại và rất nhiều cửa hàng tiện ích.

DN bán lẻ nội địa như Co.op Mart, Vinmart, SatraMart, FiviMart… không ngừng mở rộng cửa hàng ở thành thị cũng như nông thôn. Điển hình, VinMart chiếm ưu thế thị trường với khoảng 900 cửa hàng. Dự kiến, đến năm 2018, tập đoàn này sẽ mở thêm khoảng 1.000 cửa hàng.

Mặc dù bán lẻ trong nước phát triển khá nhanh, song nhìn chung kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 25% thị phần, thấp hơn so với các nước, như Singapore là 90%, Malaysia 60%, Thái Lan 34%… Nhận thức được tiềm năng tiêu dùng của thị trường gần 100 triệu dân, các nhà bán lẻ nước ngoài thi nhau chen chân. Sự đổ bộ của DN nước ngoài không dừng lại ở quy mô mua bán và sáp nhập các hệ thống bán lẻ.

Đến thời điểm hiện nay, thay vì hàng hóa nước ngoài được đưa vào qua các kênh bán lẻ hiện đại thì nhiều thương hiệu chủ động thâm nhập và xây dựng cửa hàng tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh các nhà bán lẻ đã và đang phát triển thị trường Việt Nam, mới đây Zara trở thành cơn sốt tại thị trường thời trang Việt

Nam khi doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng. Thứ bậc của Zara Việt Nam tạo thêm động lực mạnh mẽ cho các nhà thời trang khác.

“Không thua chị kém em”, Hennes & Mauritz AB (H&M) chính thức ra mắt ngay tại TP HCM trong tháng 9. Trong tương lai, sự góp mặt của Uniqlo với những mô hình bán lẻ đặc trưng từ Nhật Bản cũng hứa hẹn sự sôi động cho thị trường này.

Trước làn sóng bán lẻ hiện đại nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội ước tính, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về DN nước ngoài với tốc độ triển khai dự án rất nhanh, đáp ứng được kỳ vọng.

Lý do, DN ngoại xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên sự bài bản, cẩn trọng cùng chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Còn xét về các nhà bán lẻ hiện đại Việt Nam, có vẻ dè chừng về quy mô và số lượng, rồi loay hoay nguồn vốn, tìm lối đi.

Theo dự báo của Bộ Công thương, giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ Việt Nam đạt gần 12%/năm. Đến năm 2020, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45%, thay vì 25% như hiện nay. Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển, năm 2020 cả nước có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Với dự báo trên, Bộ Công thương xếp ngành công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành có lợi thế cạnh trạnh và đang có định hướng phát triển trên cơ sở ứng dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại đạt chuẩn chất lượng Việt Nam và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị phần bán lẻ cạnh tranh gay gắt