Năm nay, theo số liệu đăng ký dự thi ban đầu gửi về các Sở GD&ĐT, số lượng thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp được cho là có dấu hiệu tăng cao hơn năm ngoái.
Ảnh minh họa.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Tính hết tháng 4 (hết thời gian đăng ký dự thi), toàn thành phố Hà Nội có 76.046 thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Số lượng thí sinh đăng ký các môn lần lượt: Ngữ văn: 72.325, Lịch sử: 8.954, Địa lý: 38.858, Ngoại ngữ: 66.011, Toán: 73.959 em, Vật lý: 32.866, Hóa học: 26.215, Sinh học: 9.726.
Thống kê số thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, cụm thi THPT Quốc gia do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì có 16.390 thí sinh dự thi. Số lượng các môn là: Toán: 16.381 thí sinh, Vật lý: 620; Hóa học: 714; Sinh học: 1.730; Ngữ văn: 16.164, Lịch sử: 2.868, Địa lý: 14.306, tiếng Anh: 11.935, tiếng Nga: 3, tiếng Nhật: 6. Năm học này, lượng thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng cao so với năm ngoái (11.000 em)”.
So với năm 2015, số thí sinh chỉ dự thi tốt nghiệp tăng khoảng 4.000 thí sinh, đây được cho là con số tăng đột biến. Lý giải về việc này, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) chia sẻ: “Có nhiều lý do dẫn đến lượng thí sinh không có nhiều hứng thú khi vào đại học. Ví dụ như có lí do phân luồng từ các trường THPT đã làm tốt hơn. Học sinh đã bớt “choáng” với tấm bằng đại học khi tỷ lệ cử nhân thất nghiệp được công bố ngày càng nhiều. Các em cũng đã biết xác định được khả năng của mình và xác định được vào đại học không phải là con đường duy nhất…”
Ông Chất cũng cho biết thêm, tại Hà Nội dự kiến sẽ có 27 điểm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Các cụm thi này cũng trên tình thần tiếp tục phát huy những gì đã thực hiện được từ năm ngoái, và bác bỏ thông tin về những ý kiến cho rằng, cụm thi của Sở tổ chức sẽ “dễ thở” hơn cụm thi đại học. “Cụm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì có 50% giám thị đến từ các trường đại học, cao đẳng nên công tác coi thi luôn đảm bảo sự công bằng” – ông Chất nói.
Một số thí sinh các tỉnh khác cũng có hiện tượng thay đổi tương tự. Tại Nghệ An, Đà Nẵng… năm nay cũng có số lượng thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp tăng cao. Sở GD&ĐT Đà Nẵng mới đây cho biết, số thí sinh chỉ đăng ký dự thi để tốt nghiệp cũng có chiều hướng tăng so với năm ngoái, còn lượng thí sinh sự thi đại học thì giảm tương đối nhiều.
Theo một số chuyên gia giáo dục phân tích, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, có thể coi là “tín hiệu mừng” trong thay đổi về nhận thức của học sinh, và cả cha mẹ học sinh (vì đã dám đồng ý cho con chỉ dự thi tốt nghiệp). Không phải chỉ có con đường phải vào bằng được đại học mới là con đường duy nhất. Ngoài việc các em đã tự đánh giá, so sánh khả năng của mình so với bạn bè, còn cho thấy các em đã biết chuẩn bị sẽ vào tương lai bằng con đường nào. Có thể đi học nghề, có thể là chọn trường bình thường vì vẫn có hàng trăm trường ĐH, CĐ nhận học bạ để xét tuyển… Hiện nay, nhiều cơ hội học nghề 1 – 2 năm là có thể đi làm có thu nhập cho bản thân và lo cho gia đình. Như thế thì sẽ giảm được cảnh “giấu bằng cử nhân đi làm công nhân” hay liên thông ngược, hoặc sẽ có nhiều hơn đội ngũ “làm thợ” giỏi, tạo sự hài hòa trong việc sắp xếp nhân lực cho các ngành sản xuất.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 4-7, với 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Các môn tự luận, thời gian làm bài 180 phút; môn trắc nghiệm 90 phút; môn Ngoại ngữ 90 phút.
Các thi sinh cần ghi nhớ một số mốc thời gian quan trọng trước và sau kỳ thi: Ngày 9-6, thông báo những trường hợp thí sinh không được dự thi. Trước ngày 15-6, thí sinh nhận Phiếu báo thi tại trường nơi đang học; Thí sinh tự do nhận tại các phòng GD&ĐT. Ngày 30-6, thí sinh đến địa điểm thi nghe phổ biến Quy chế thi. Ngày 25-7, công bố kết quả tốt nghiệp THPT.