Với việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho địa phương tổ chức, giáo viên địa phương coi thi, nhiều ý kiến lo ngại về việc đảm bảo công bằng khách quan cho các thí sinh ở mọi vùng miền trên cả nước.
Lo địa phương “coi lỏng, chấm lỏng”
Sau rất nhiều thay đổi vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phương án cuối cùng được Bộ GDĐT lựa chọn là tổ chức kỳ thi THPT phù hợp với lộ trình đổi mới và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ: Không có phương án hoàn hảo nhưng thi tốt nghiệp THPT là phương án trong sự lựa chọn, vì vậy rất cần có sự chia sẻ. Và khi đã chốt phương án thì cố gắng làm tốt và đảm bảo tính nhất quán.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự đồng tình với phương án thi này song băn khoăn vẫn còn đó khi năm nay, khâu tổ chức kỳ thi sẽ do UBND tỉnh, thành phố tổ chức. Mặc dù đề thi vẫn do Bộ ra nhưng nếu không có sự tham gia của các đối tác khác như các trường ĐH... thì liệu có dẫn đến lợi ích địa phương, xảy ra tiêu cực không mong muốn như đã từng xảy ra hay không?
Cụ thể, sẽ giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức kỳ thi; trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong từng mắt xích của quy trình tổ chức thi (quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…); việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định, có đảo giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.
Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi. Trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.
Như vậy, với việc coi thi sử dụng hoàn toàn lực lượng giáo viên tại chỗ, mặc dù có đổi chéo, thậm chí như chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) là có thể yêu cầu giáo viên môn nào sẽ không được coi thi môn đó nhưng trong cùng một địa phương, việc quen biết, nhờ vả là không thể tránh khỏi. Đó là chưa kể, có thể có địa phương chủ trương nới lỏng trong việc coi thi để các thí sinh trong cùng một phòng thi có thể trao đổi, nhắc bài cho nhau. Đặc biệt, càng những khu vực ở xa trung tâm thành phố, ở vùng sâu thì việc thanh kiểm tra càng khó khăn. Thanh tra của địa phương, thanh tra của Bộ lực lượng mỏng, khó có thể giám sát hết được tất cả tình huống có thể xảy ra trong và ngoài phòng thi lại thêm cô giáo chấm bài học sinh mình nên sẽ nương tay…
Trong khi đó, kết quả kỳ thi được nhiều trường ĐH cho biết sẽ sử dụng để xét tuyển vào trường. Như vậy, rõ ràng sẽ có sự chênh lệch, thiệt thòi cho những thí sinh ở các vùng coi chặt, chấm chặt và ảnh hưởng đến cơ hội vào ĐH, nhất là những trường top đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ 0,5 điểm là cơ hội đỗ trượt có thể thay đổi.
Tăng cường thanh tra, hậu kiểm
Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, chặt chẽ, Bộ GDĐT cho biết việc tổ chức thanh tra kỳ thi sẽ được thực hiện theo 2 cấp ở trung ương và địa phương. Trong đó, ở địa phương có Thanh tra Nhà nước của tỉnh và Thanh tra của Sở GDĐT; ở Trung ương là Thanh tra của Bộ GDĐT.
Bên cạnh các giải pháp hành chính, về mặt kỹ thuật, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử. Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước.
Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị giám sát cho các khâu quan trọng như bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi. Sau khi có kết quả thi, Bộ sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay nhiều người còn băn khoăn về kỳ thi, nhưng chúng ta phải có niềm tin và cùng cộng đồng trách nhiệm. GS Minh cũng đồng thời mong muốn Bộ GDĐT tiếp tục hỗ trợ các trường và đôn đốc hơn nữa khâu thanh tra, giám sát, hậu kiểm, lọc ảo.
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên ủng hộ việc trưng dụng, tăng cường thanh tra ủy quyền của các trường ĐH trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, để kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng, an toàn; các trường ĐH cần xắn tay vào cuộc. Có thể tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra và phối hợp nhịp nhàng với địa phương. Thanh tra không phải để tạo ra áp lực mà đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
“Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng là yêu cầu đầu tiên, cao nhất đối với kỳ thi. Để thực hiện được cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, việc giao quyền tổ chức kỳ thi về cho địa phương đồng nghĩa với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi” – ông Mai Văn Trinh.