Thi tốt nghiệp THPT: Thay đổi để phù hợp – Bài 1: Kỳ thi '2 trong 1' bộc lộ nhiều bất cập

Minh Quang 27/03/2023 07:00

Qua gần 10 năm tổ chức (kể từ năm 2015 đến nay), kỳ thi tốt nghiệp THPT “2 trong 1” với mục tiêu ban đầu là lấy kết quả xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) đã dần bộc lộ bất cập. Việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh đã khiến điểm thi tốt nghiệp THPT dần “lép vế”.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần tính đến giải pháp căn cơ hơn trong thi và tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi của các nhóm học sinh và giữa các vùng, miền.

Một kỳ thi, nhiều nghịch lý

Thống kê mới đây nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), sau 2 năm giao tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, năm 2022 có đến 20 phương thức tuyển sinh được áp dụng. Điều đáng nói là không phải cho đến mùa tuyển sinh năm 2022 mới có tình trạng thí sinh đạt điểm cao đến 9,10 điểm/môn vẫn trượt ĐH. Việc các trường áp dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, đã khiến cánh cửa vào ĐH bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng hẹp.

Thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH những năm gần đây đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới. TS Phạm Hùng Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, việc điểm chuẩn đẩy tăng vọt là do đề thi tốt nghiệp THPT phân hóa chưa tốt, chưa phân loại được thí sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình. Đặc biệt từ năm 2020, sau khi Bộ GDĐT đổi tên từ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi không còn thể hiện rõ mục tiêu “2 trong 1” (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH). Đã đến lúc Bộ GDĐT, các trường ĐH cần lên phương án nghiên cứu và thay đổi mô hình kỳ thi như hiện nay để đánh giá đúng thực chất, thực học và đúng năng lực của học sinh phổ thông.

Đồng quan điểm, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, nên tách bạch 2 kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT vì mục đích quá khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính đại chúng, còn xét tuyển sinh ĐH lại mang tính chuyên sâu nên không thể dùng 1 kết quả để đạt được 2 mục tiêu như những năm vừa qua.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng phân tích, thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích kiểm tra năng lực học sinh và chất lượng dạy học theo chương trình phổ thông. Trong khi đó, tuyển sinh ĐH là sự chọn lọc, so sánh năng lực giữa các thí sinh phù hợp với từng phân khúc trường nên độ phân loại cần phải cao hơn với thi THPT. Nếu kết hợp 2 kỳ thi này với nhau sẽ rất khó để đánh giá đúng thực chất học sinh. Điều này đã được chứng minh rất rõ ở những mùa tuyển sinh vừa qua, ở việc lạm phát điểm chuẩn ở các trường ĐH đến mức bất thường.

Vậy cần phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng nào? Những con số thống kê chỉ ra, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước vẫn tăng dần qua từng năm. Năm 2020 (98,34%), 2021 (98,6%), 2022 (98,57%). Tỷ lệ tốt nghiệp cao, xã hội phấn khởi nhưng kết quả này sẽ khó thực hiện phân luồng sau bậc THCS vì đa số học sinh muốn học lên để có bằng tốt nghiệp THPT, rồi vào ĐH. Như vậy, rõ ràng việc hạ thấp yêu cầu đầu ra dẫn đến không nâng cao chất lượng học sinh sau THPT, khiến cho mục tiêu phân luồng vẫn chỉ nằm trên giấy.

Ngoài ra, nếu tính trung bình điểm thi theo môn qua 5 năm đổi mới thi tốt nghiệp THPT cho thấy, điểm trung bình môn Lịch sử luôn ở mức thấp nhất, kế đến là Ngoại ngữ. Trong 8 năm Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi chung, năm 2022 là lần đầu tiên phổ điểm Lịch sử lệch phải với số lượng điểm 10 tăng vọt và điểm liệt giảm mạnh.

Dẫu thế, góp ý cho quá trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân cho rằng, cần cân nhắc việc đưa môn Lịch sử trở thành môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Thời gian vừa qua học sinh chưa mặn mà học môn Lịch sử. Do đó, không thể điều chỉnh tình yêu học môn Lịch sử cho học sinh chỉ bằng quy định môn học bắt buộc hay môn thi bắt buộc mà cái chính là phải bằng sự thay đổi mang tính đột phá về nội dung và phương pháp dạy và học môn Lịch sử.

Nhìn một cách tổng quan hơn, đổi mới thi tốt nghiệp THPT không ngoài mục đích để việc dạy - học và thi thực chất hơn. Theo đó, yêu cầu đặt ra lúc này là Bộ GDĐT có biện pháp khoa học, hiệu quả hơn trong xây dựng ngân hàng đề thi, đảm bảo các tiêu chí, mức độ phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra của Chương trình GDPT mới năm 2018.

Đảm bảo công bằng khi xét tuyển đại học

Theo ghi nhận, mỗi trường ĐH hiện nay đều có ít nhất từ 3 phương thức tuyển sinh trở lên. Mỗi ngành lại có những phương thức xét tuyển và chỉ tiêu riêng. Thậm chí, chỉ riêng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ cũng có nhiều lựa chọn khi bên cạnh các chứng chỉ quốc tế đã có thêm chứng chỉ nội được các trường công nhận, đưa vào danh sách xét tuyển. Điều này có thể tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhưng vì quá nhiều nên cũng khiến thí sinh cảm thấy lúng túng trong lựa chọn. Về vấn đề này, trong cuộc họp đánh giá công tác tuyển sinh 2022, Bộ GDĐT cũng đã kịp thời lưu ý các cơ sở đào tạo, xem xét giảm phương thức tuyển sinh theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên tinh giảm.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023 từ các trường ĐH, các phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển kết hợp, xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng… Đặc biệt, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có chiều hướng giảm hơn so với năm 2022.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá, nhìn lại 5 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia cho 2 mục đích và 2 năm thi tốt nghiệp nhưng vẫn sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH cho thấy cách làm này cần thay đổi, vì không thể ra đề thi thỏa mãn được yêu cầu xét tốt nghiệp, đánh giá năng lực chung ở bậc phổ thông và xét tuyển ĐH. Từ năm 2021, nhiều cơ sở đào tạo lớn đã dành rất ít chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Xu thế tập hợp theo nhóm xét tuyển, sử dụng kết quả từ phương thức tuyển sinh chung cũng là hướng khả thi trong các năm tới.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường được tuyển sinh bằng nhiều phương thức. Tuy nhiên, giữa hàng loạt các phương thức xét tuyển như hiện nay, các trường đang lợi dụng quy định, đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau mà giảm phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ông Khuyến cũng bày tỏ hoài nghi về tính minh bạch của các phương thức xét tuyển khác như: Xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế… Về lâu dài sẽ dẫn tới câu chuyện tiêu cực, không công bằng trong tuyển sinh như mua điểm hay hiện tượng học lệch.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, lo ngại thiệt thòi cho thí sinh ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn là chính đáng. Tuy nhiên, không thể vì điều đó mà cứ mãi duy trì cách tổ chức thi, tuyển sinh bộc lộ nhiều điểm bất cập. Do đó với thí sinh vùng khó khăn hãy tính đến giải pháp khác, chẳng hạn cơ chế “đặt hàng” đào tạo theo địa chỉ riêng cho các địa phương đang cần nhân lực.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM:

Đề thi tốt nghiệp THPT phải theo hướng đánh giá năng lực học sinh

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT mới. Chương trình GDPT mới được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, vì thế cần thiết kế đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Sự ổn định của môn thi, đề thi là cần thiết để thí sinh không phải bỡ ngỡ. Về lâu dài, các trường, các Sở GDĐT có thể tự tổ chức thi, đánh giá học sinh cho riêng mình dựa trên dữ liệu kiểm tra, đánh giá quốc gia. Các trường ĐH vẫn có thể chọn theo năng khiếu của học sinh sau khi thi nhằm tiết kiệm chi phí tuyển sinh cho học sinh và trường.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi tốt nghiệp THPT: Thay đổi để phù hợp – Bài 1: Kỳ thi '2 trong 1' bộc lộ nhiều bất cập