Chỉ còn 1 ngày nữa là đến Rằm Trung thu, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh tại các thành phố lớn đã thực hiện chương trình giảm giá tại điểm bán, nhằm kích cầu tiêu dùng. Để thu hút người tiêu dùng, hầu hết điểm bán bánh trung thu năm 2024 đều treo biển giảm giá, khuyến mại hấp dẫn.
Mẫu mã mới - sức mua chậm
So với nhiều năm trước, thị trường bánh trung thu năm 2024 ảm đạm. Sức ảnh hưởng của bão số 3 quá lớn và tác động đến tâm lý nên người dân chỉ quan tâm tới vấn đề lương thực, thực phẩm và “bỏ qua” nhu cầu bánh trung thu.
Chị Thúy Vân - một chủ tạp hoá kinh doanh bánh trung thu tại Hà Nội cho biết: Bánh trung thu năm nay bán chậm. Lác đác vài người mua lẻ. Theo chị Vân, bão lũ, mọi người đến tạp hoá cũng mua mì tôm, nước và các loại đồ khô chứ bánh trung thu chẳng mấy người mua. Một số vị khách trung niên, cầm bánh lên nhìn thấy giá cũng 50.000 đồng - 60.000 đồng/chiếc vội đặt trả lại.
Sáng ngày 15/9, tại siêu thị Đức Thành (La Khê, Hà Đông, Hà Nội), dãy hàng bày bán bánh trung thu ít người ghé tới. Nhiều khách hàng cho biết, các năm trước thường thì sẽ mua một hộp bánh trung thu để cúng Rằm nhưng năm nay các thông tin bão lũ ngập tràn, chẳng thiết tha gì bánh trái.
Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Hùng, chủ quầy kinh doanh bánh trung thu trên đường Tân Mai (quận Hoàng Mai) chia sẻ, tính đến thời điểm này thì số lượng khách vãng lai mua bánh trung thu giảm so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, doanh số bán ra của cả quầy hàng lẫn đơn hàng của mỗi khách hàng cũng giảm. Tương tự, khảo sát thực tế trên các tuyến đường, có thể thấy, những cửa hàng ở các quận, huyện khác trên địa bàn cũng chung tình trạng thưa vắng khách hàng dù Rằm Trung thu đã cận kề.
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 nhiều gian hàng bán bánh trung thu trên trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, làng Lụa Vạn Phúc (Hà Nội) bị hư hỏng nặng đã được kịp thời dựng lại để bày bán. Vậy nhưng, sức bán rất chậm.
Một nhân viên bán hàng của hãng bánh Bibica trên trục đường Tố Hữu chia sẻ: Thi thoảng mới có người vào mua một hộp bánh. Tại các quầy hàng của Công ty CP bánh mứt kẹo Hà Nội, khách hàng cũng thưa vắng hơn mọi năm. “Không chỉ ít khách, ế ẩm mà đơn hàng của khách mua cũng nhỏ hơn, chưa bằng 1 nửa những năm trước” - nhân viên bán hàng cho biết.
Ở góc cạnh khác, chị Hạnh Thúy (quận Hai Bà Trưng) cho hay nếu như những năm trước gia đình mua bánh Trung thu tại quầy, cửa hàng rồi chuyển phát nhanh về quê, thì năm nay mua sắm online sẽ được giao hàng tận địa chỉ cần gửi biếu, tặng mà chi phí không tăng nhiều. Anh Nguyễn Tùng Quân ( Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) nói, dù đầu phố có hơn 5 gian hàng bánh của nhãn hiệu lớn bày bán hơn tháng nay nhưng không nhiều người hào hứng.
Hàng nhập lậu vẫn nhiều
Đáng chú ý, dù sức mua giảm nhưng bánh trung thu nhập lậu vẫn nhiều. Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết bánh nhập lậu nói chung vẫn khá phổ biến trên thị trường.
“Các sản phẩm này chưa được công bố về chất lượng cũng như chưa được các cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm định xem có phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam hay không. Một số tổ chức cá nhân vẫn vì lợi nhuận đã tìm cách nhập lậu về để tiêu thụ. Họ nắm bắt thị hiếu sính ngoại cũng như thích chơi trội so với thị trường nên vẫn tiêu thụ được một lượng lớn sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc và có nguy cơ mất an toàn thực phẩm”- ông Lê nói.
Do đó, Tổng cục QLTT đôn đốc các đơn vị địa phương tăng cường kiểm tra, đặc biệt, có những chuyên đề cho từng địa phương để làm sao kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn đưa vào tiêu thụ trong dịp Trung thu. Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trên thị trường không chỉ có bánh kẹo nhập lậu chưa được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, mà còn có cả nguyên liệu sản xuất bánh kẹo nhập lậu trong dịp Tết Trung thu.
Tại Hà Nội, chỉ trong thời gian ngắn triển khai cao điểm kiểm tra thị trường dịp Trung thu năm 2024, Đội QLTT số 5, Cục QLTT TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy gần 5.000 chiếc bánh trung thu nhập lậu. Tương tự, đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) cũng phối hợp với Công an quận Hà Đông kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ số 47 ngõ 10 đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao. Đoàn kiểm tra phát hiện 1.408 chiếc bánh trung thu và 1.210 bao thuốc lá điếu. Toàn bộ số bánh trung thu và thuốc lá điếu trên do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá.
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, đa phần bánh trung thu nhập lậu không rõ thành phần nguyên liệu, không ghi ngày sản xuất, không hạn sử dụng. Để qua mắt lực lượng chức năng các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi biển kiểm soát phương tiện vận chuyển, lợi dụng xe chuyển phát nhanh của ngành Bưu điện để vận chuyển.
Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất để gian lận. Một số đối tượng hành vi lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử để khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng… để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đối tượng buôn lậu chỉ xin 1 giấy phép của Cục An toàn VSTP sau đó quay vòng nhiều lần để nhập số lượng hàng lớn hơn.
Năm nay, các hãng lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Bảo Ngọc, Bánh kẹo Hà Nội... đã đưa ra thị trường các sản phẩm bánh trung thu với nhiều hương vị, mẫu mã bao bì độc đáo. Bên cạnh những chiếc bánh truyền thống với nhân đậu xanh, hạt sen, trứng muối, các nhà sản xuất còn giới thiệu nhiều loại nhân mới như nhân sen, socola, matcha, phô mai, và cả các loại nhân kết hợp giữa trái cây và hạt dinh dưỡng. Các nhãn hàng cũng chú trọng đến hình thức, kiểu dáng như vỏ hộp được làm bằng gỗ in hoa văn nổi, hoặc hộp giấy cao cấp được thiết kế hiện đại, sang trọng… nhưng sức tiêu thụ chậm.