Gần đây, nhiều thông tin trái chiều về trái phiếu khiến không ít nhà đầu tư phân vân, lưỡng lự, thậm chí mất niềm tin. Tuy nhiên, thực tế đây vẫn là một kênh hút vốn quan trọng của thị trường vốn Việt Nam và nó sẽ được “hâm nóng” trở lại khi cơ quan quản lý có những điều chỉnh hướng tới một thị trường minh bạch và an toàn hơn.
Áp lực trên thị trường
Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA) cho biết, trong suốt tháng 10 và tới ngày 4/11/2022, chưa có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10,599 tỷ đồng, giảm 56.3% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 240,805 tỷ đồng, giảm 52% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).
Trong khi phát hành mới đóng băng thì DN lại phải tăng mua lại trái phiếu trước hạn. Dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin (4/11/2022), tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại trước hạn trong tháng 11/2022 là 268.5 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại là 149,309 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021). Những DN điển hình trong hoạt động tất toán nợ trái phiếu trước hạn phải kể đến Hoàng Anh Gia Lai, Cơ điện lạnh (REE), Tập đoàn Gelex, Công ty Yamagata, An Phát Finance, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Ngân hàng OCB…
Dữ liệu của Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương – VCBS cho thấy top 20 các công ty mua lại trái phiếu trước hạn, đa phần là những “ông lớn” của ngành ngân hàng và bất động sản. Trong đó, dẫn đầu là BIDV đã mua lại trái phiếu trước 12.672 tỷ đồng. VIB, LPB, TPB, SHB… đều là những ngân hàng có lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn lớn, tính từ trên xuống 8.800 tỷ đồng cho tới trên 4.000 tỷ đồng.
Thị trường TPDN thời gian gần đây đang có những biến động. Ngoài việc phát hành mới bị đóng băng, sau sự cố Tân Hoàng Minh, An Đông, VKC Holdings, nhà đầu tư trở nên thận trọng với TPDN, nhiều người đổ xô yêu cầu DN phát hành mua lại trước hạn.
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Công ty Chứng khoán Chi nhánh TP Hồ Chí Minh DSC cho hay, việc ồ ạt rút, bán trái phiếu trước hạn gây áp lực rất lớn đến thị trường và các bên liên quan.
Còn theo Giám đốc công ty luật ANVI - Luật sư Trương Thanh Đức, nếu một trái phiếu bình thường, ít người rút trước hạn thì không sao, nhưng nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng rút, cũng giống như câu chuyện rút tiền ngân hàng, thì không có một ngân hàng nào, không một công ty nào đủ sức nguồn để chi trả trong tình huống như vậy.
Tìm giải pháp
Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế cho thấy kênh vốn TPDN đang rất bế tắc, DN không dám phát hành trái phiếu mới, DN cũng lo với các khoản trái phiếu đến hạn. Do vậy cần có giải pháp căn cơ để sớm khơi thông lại kênh dẫn vốn này cho DN.
Giới chuyên gia khuyến cáo, các nhà đầu tư cá nhân nên tìm hiểu chất lượng trái phiếu, uy tín của DN phát hành. Bởi, không phải trái phiếu nào cũng rủi ro vỡ nợ cao. Tại Việt Nam cũng chưa có tình huống DN vỡ nợ trái phiếu. Các DN phát hành đang thanh toán gốc và lãi trái phiếu đúng hạn. Do đó, sẽ rất đáng tiếc cho thị trường cũng như tổn thất cho chính nhà đầu tư nếu tìm cách bán lại trái phiếu bằng mọi giá. Nếu vì lý do “trào lưu” mà nhà đầu tư xếp hàng thực hiện “bond run” (yêu cầu tất toán/mua lại trái phiếu ngay lập tức), thì DN dù có tốt thì trái phiếu của họ cũng thành xấu do bị rút đột ngột trước hạn chứ không phải vì họ yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém.
Ông Lê Hồng Khang - Trưởng phòng Phân tích xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings cho rằng, gốc rễ của vấn đề là nhà đầu tư thiếu thông tin. Do đó, để tránh trường hợp DN phát hành hoạt động tốt mà vẫn bị “bond run”, DN phát hành nên minh bạch thông tin, bổ sung đánh giá độc lập để khẳng định vị thế kinh doanh của mình, cũng như khẳng định việc vẫn kinh doanh bình thường. Nếu DN phát hành khó khăn trong chi trả, thì cần tôn trọng trái chủ bằng cách công khai, minh bạch lộ trình giải pháp, hoạt động cấu trúc lại thời gian trả nợ, tạo sự an tâm, niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường giám sát để DN thực hiện đúng cam kết khi huy động vốn và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án. Công tác phổ biến tuyên truyền những kiến thức, nhận thức về TPDN cho thị trường, nhà đầu tư và cả một bộ phận các công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như việc phát hành trái phiếu mới để thanh toán trái phiếu cũ tới hạn là khá phổ biến trên thị trường quốc tế, nhất là để phục vụ các dự án dài hạn 10-20 năm, qua 3-4 lần phát hành trái phiếu mới hoàn vốn.
Ông Hùng cũng kiến nghị các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp, cơ chế để bảo vệ các DN hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính, ngăn chặn kịp thời các hành vi lũng đoạn thị trường, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư, để thị trường TPDN và thị trường chứng khoán tiếp tục đóng vai trò là nơi cung ứng ổn định vốn trung và dài hạn cho DN, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế.
Mới đây nhất, chiều ngày 14/11, Bộ Tài chính đã đưa ra khuyến cáo về thị trường TPDN với thông điệp, khi DN phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với DN và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và DN phát hành.
Các nhà đầu tư cần phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.
Các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư TPDN cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về DN phát hành trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của DN...