Bất chất những nghi ngại về đề án cấm xe máy tại thành phố lớn đang được “xới xáo” trở lại, các hãng sản xuất và kinh doanh xe gắn máy vẫn đánh giá Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng nếu biết khai thác tốt.
Xe số dần chuyển sang xe ga
Thị trường xe máy tiếp tục có những tăng trưởng đáng ngờ. Doanh số bán ra của các hãng xe máy tại thị trường Việt Nam đạt hơn 3,1 triệu xe trong 2016, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng 9,5%. Đại diện Suzuki cho biết, thời gian tới hãng xe Nhật có kế hoạch tập trung vào mảng xe côn tay và môtô thể thao. Mục đích của hãng là xây dựng hướng đi riêng đón đầu xu thế trước sức cạnh tranh của 2 đối thủ đồng hương Honda và Yamaha.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của Đại Đoàn Kết về đề xuất được giới chuyên gia giao thông và nhà khoa học đưa ra, “đã đến thời điểm sớm loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông TP lớn, phát triển xe bus” liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào về chiến lược kinh doanh của các nhà sản xuất? Ông Yano Takeshi - Tổng giám đốc của Yamaha Motor Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch VAMM (Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam) nói: Việt Nam được biết đến là một thị trường xe máy có dung lượng lớn thứ 4 thế giới và vẫn đang còn tiềm năng phát triển, đặc biệt là hướng chuyển dịch sang xe tay ga và xe tay ga cao cấp, xe thể thao, xe điện... Hiện Yamaha đang có định hướng phát triển mạnh các mẫu xe tay ga.
Như vậy, động thái của các hãng kinh doanh xe máy cho thấy các hãng xe nắm bắt nhu cầu người dùng để nhằm gia tăng thị phần. Theo tìm hiểu, trong năm 2016, với 3,1 triệu xe máy bán ra thì xe tay ga chiếm tỷ lệ 45%.
Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
Tuy nhiên cũng có điều đáng nói là, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp. Việt Nam là quốc gia có lượng phương tiện giao thông chiếm tới 90% là xe máy. Dự báo đến năm 2020 khoảng 33 triệu chiếc. Chính vì vậy, số lượng DN tham gia vào thị trường sản xuất và lắp ráp xe máy ngày càng nhiều, khoảng gần 60 DN, trong đó có những tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Italy, Đài Loan (Trung Quốc).
Một khảo sát từ Công ty Reed Tradex (Thái Lan), ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ họ kỳ vọng vào việc cắt giảm chi phí vận chuyển và rủi ro, vì thế nó sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp phụ tùng trong nước phát triển sản xuất.
Theo nhìn nhận từ Bộ Công thương, công nghiệp phụ trợ cung cấp cho ngành xe máy được coi là thành công nhất vì đã hình thành một hệ thống các nhà cung cấp với hàng trăm DN. Tỷ lệ nội địa hóa ngành này đã đạt từ 85-90%. Hầu hết các linh kiện của xe số, kể cả linh kiện động cơ đều đã được sản xuất trong nước. Song trái ngược với bức tranh sáng này, ngay trong ngành công nghiệp cơ khí, việc sản xuất linh kiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất thiết bị đồng bộ, trong nước mới tham gia được 20%.
Thời gian qua Chính phủ đã phê duyệt hàng loạt chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ. Đáng chú ý Chính phủ đã chỉ đạo thành lập các khu công nghiệp chuyên sâu tại thành phố để thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp hỗ trợ... Nhiều DN cho rằng, Việt Nam có thể đầu tư công nghệ cao để đáp ứng 80% phụ tùng sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy nhưng DN lại ngại ngần khi đầu tư. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chính sách vốn vay và lãi suất chưa thể cạnh tranh được với các DN trong khu vực. Hiện có nhiều chính sách được các bộ, ngành đưa ra hỗ trợ ngành công nghệ cao nhưng vẫn nằm trên giấy, việc thực thi rất khó.
Trong khi đó ở nhiều nước trong khu vực, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ rất cụ thể. Chẳng hạn như tại Malaysia, nếu doanh nghiệp nào nội địa hóa được 50% thì thuế giảm đi 5%. Người dân, DN nào mua xe của Malaysia sản xuất, kể cả DN nước ngoài sản xuất tại Malaysia thì được vay vốn ưu đãi 3% đến 4%.