Bài viết ngắn này chỉ đề cập đến kỹ năng Thích nghi, mà theo tác giả Salomé là mấu chốt, là cái then của mọi cánh cửa.
Nhà triết học đương đại người Pháp, ông Jacques Salomé (sinh năm 1935 tại Tolouse) trong cuốn sách khá nổi tiếng “Hãy chung sống với mọi người” (Bản tiếng Pháp do nhà xuất bản Les Editions de L’homme - Canada phát hành năm 2002) có đoạn viết như sau: “Có 4 cặp kỹ năng sống cần thiết nhất đối với tất cả những ai muốn tồn tại và phát triển: Cặp 1: Suy xét và Phân biệt. Cặp 2: Đối mặt và Hợp tác. Cặp 3: Rút lui và Từ bỏ. Cặp 4: Khoan dung và Thích nghi”.
Bài viết ngắn này chỉ đề cập đến kỹ năng Thích nghi, mà theo tác giả Salomé là mấu chốt, là cái then của mọi cánh cửa.
Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Thích nghi là có những biến đổi nhất định cho phù hợp với hoàn cảnh mới, môi trường mới. Thí dụ: Làm cho động vật xứ lạnh dần thích nghi với khí hậu nhiệt đới. Thích ứng là có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, yêu cầu mới. Thí dụ: Thích ứng với tình hình mới.
Những thích nghi thường gặp trong cuộc sống hàng ngày: Có một điều rất dễ nhận biết là: Nếu cuộc sống cứ bằng phẳng, êm trôi, không gặp khó khăn trở ngại gì thì không ai cần rèn luyện kỹ năng thích nghi làm gì.
Một cô bé 6 tuổi ngày đầu đi học lớp 1 phải dỗ mãi mới thôi khóc, mới hết giằng co với ông bà, bố mẹ để vào lớp học. Sau ngày thứ nhất, rồi đến ngày thứ hai, thứ ba em dần quen với bạn học ngồi bên cạnh, đến ngày thứ tư thì em hết khóc khi đi học. Như thế là khả năng thích nghi của em nữ sinh lớp 1 là khá nhanh và em đã cảm thấy đi học lớp 1 cũng chẳng có gì đáng sợ lắm.
Có lần tôi đọc được truyện ngắn kể một ông giám đốc đã về hưu được 1 tuần. Nhưng sáng hôm thứ hai tuần tiếp theo, khi bà vợ đi chợ về lại thấy ông mặc com lê, xách cặp, đội mũ đứng chờ lái xe đến đón đi làm. Bà vội nhắc ông là đã về hưu rồi, nên ông hãy vào nhà thay quần áo cho mát. Ông càu nhàu một lúc rồi nằm vật ra giường. Mấy ngày sau ông lãnh đạo về hưu vẫn cứ quần áo chỉnh tề, xách cặp, đứng chờ lái xe. Tức mình, bà vợ giấu bộ com lê và chiếc cặp đi, nhưng ông vẫn ra cửa đứng đợi lái xe, mặc dù chỉ mặc quần đùi áo may ô. Gia đình đưa ông đi khám bác sĩ. Bác sĩ chẩn đoán: “Ông chưa thích nghi được với hoàn cảnh mới là đã về hưu. Cứ kệ ông, không cần thuốc men gì, dần dần ông sẽ thích nghi với việc đã nghỉ hưu thôi”. Tạm nhận xét: Với tuổi 60, khả năng thích nghi của ông giám đốc về hưu là kém, cần cố gắng để sớm thích nghi được với hoàn cảnh mới.
Qua hai câu chuyện vừa nêu trên, ta thấy được: Tuổi càng trẻ càng dễ thích nghi. Vì thế cần lợi dụng thời gian vàng này để tập thích nghi với những việc khó, với những việc cần phải chịu khó, chịu khổ mới vượt qua được. Em học sinh đi học lớp 1 là lần đầu tiên đi học ở trường, nên sự bỡ ngỡ, lo sợ, chưa quen lớp, chưa quen bạn, chưa quen trường nên rất lạ lẫm và rất khó vượt qua. Điều này cũng giống như ông giám đốc hơn 60 tuổi khó chấp nhận được việc không có xe đưa xe đón đi làm hàng ngày, khó chấp nhận được không còn thói quen chỉ huy người khác để ai cũng phải răm rắp nghe theo mình. Từ bỏ thói quen này thật sự rất khó khăn và cũng nghiêm trọng lắm.
Em học sinh lớp 1 và ông giám đốc về hưu đều phải học cách thích nghi nhanh nhất, phải thích hợp nhanh nhất với hoàn cảnh mới thì mới có được bước tiếp theo êm đềm, thuận hòa được. Kỹ năng này được gọi là kỹ năng thích nghi hay khả năng thích nghi.
Triết gia Đông phương cổ đại, ông Lục Du (1125 - 1210) từng tổng kết: “Xem gió xoay buồm khôn tính toán, liệu chiều bẻ lái khỏi lo âu”. Rất đúng, rất tuyệt vời với chiếc chìa khóa vàng thích nghi của Lục Du. Nhờ chiếc chìa khóa vàng ấy mà em học sinh dần quen với thầy cô giáo, với bạn bè mới để vui vẻ đến trường hàng ngày. Ông giám đốc cũng nhờ chiếc chìa khóa vàng ấy mà tĩnh trí lại, tâm bình an lại để có cách sống mới thích hợp với hoàn cảnh mới.
Cùng với ý tưởng về thích nghi của triết học phương Đông, bên trời Tây, nhà triết học John Fletcher (1579 – 1625) cũng khẳng định: “Người nào muốn sử dụng được gió, phải biết cách xoay cánh buồm của mình”. Vậy cái cánh buồm mà cả 2 nhà hiền triết nhắc đến là cái gì? Có nhiều cách cắt nghĩa, cách lý giải khác nhau, nhưng ngắn gọn, dễ hiểu nhất là cách trình bày của tác giả Maxwell Maltz như sau: “Hình ảnh cái tôi và thói quen thường hay đi cùng nhau. Thay đổi được một thứ thì bạn sẽ thay đổi được thứ còn lại”. Thật tuyệt vời khi có thể viết thành công thức sau:
Thích nghi = Thay đổi cái tôi + Thay đổi thói quen.
Dựa vào công thức này thì: Ông giám đốc cần thay đổi cái tôi và em học sinh lớp 1 cần thay đổi thói quen. Như thế sẽ tìm được lời giải đáp hòa thuận và có cơ hội phát triển.
Như vậy, bản chất của kỹ năng thích nghi chính là kỹ năng thay đổi bản thân cho hợp với hoàn cảnh mới.
Thực tế cho thấy một số trường hợp Tiến sĩ tốt nghiệp ở Mỹ về đi phỏng vấn xin việc bị từ chối, không được chấp nhận. Trong khi đó các Cử nhân tốt nghiệp trong nước, với lý lịch khiêm tốn, với con người nhã nhặn, lễ độ nên dễ tìm được việc làm, dễ khởi nghiệp hơn.
Có thể nói, thất bại hay thành công là do các từ khóa quan trọng là: Cái tôi và Thói quen.
Một số Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ đi du học ở nước ngoài về bị từ chối khi xin việc làm thường mắc phải lỗi hỏi thẳng nhà tuyển dụng:
- Sao lại xếp tôi vào chân chào hàng hay giao hàng? Vị trí của tôi bét nhất cũng phải trưởng phòng chứ.
- Lương thế này thì kém cả lương tôi đi làm thêm ban đêm ở Mỹ.
- Lương thế này không đủ cho tôi ăn sáng.
- Nên nhớ tôi có 2 bằng Ngoại ngữ chuẩn quốc tế đấy nhé...
Trong khi đó nhà tuyển dụng lại yêu cầu người đi xin việc phải biết: Nắm vững thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và thực tế dân cư, địa lý của khu vực mà công ty hướng đến phát triển trong tương lai. Mà yêu cầu này lại rất thích hợp với các bạn trẻ xuất thân ở nông thôn, vươn lên tốt nghiệp Đại học trong nước, nên họ vừa có lý thuyết, vừa có thực tế, làm gì chẳng được chấp nhận. Cũng có nhiều em sau các thất bại đã trưởng thành dần, điều chỉnh được những thói quen cũ để dần dần thích ứng được với hoàn cảnh mới nên đã tìm được công việc phù hợp với hoàn cảnh thực tế của bản thân.
Một giáo sư, nguyên lãnh đạo một viện nghiên cứu đã kể lại câu chuyện sau đây: Hồi còn tại chức ông có một người lái xe riêng. Anh làm việc rất đúng giờ, tận tụy với công việc, nhưng rất ít nói. Một lần sau một hội thảo quốc tế, giáo sư ra xe của mình để về thì rất ngạc nhiên khi thấy anh lái xe đang trò chuyện vui vẻ với một đại biểu người nước ngoài bằng tiếng Anh rất lưu loát. Hỏi kỹ thì hóa ra anh đã tốt nghiệp Cử nhân kinh tế ở Mỹ, do không xin được việc làm đúng chuyên ngành của mình nên anh đã xin vào làm lái xe cho Viện. Trường hợp của anh lái xe là một trường hợp biết cách thích nghi để tồn tại trong hoàn cảnh công việc không phù hợp với nguyện vọng ban đầu. Do làm việc tận tụy, anh đã trở thành tổ trưởng tổ xe rất có trình độ và uy tín ở Viện nghiên cứu.
Người Mã Lai cổ có câu tục ngữ rất hay: “Muốn nhảy đẹp phải biết nhảy theo điệu nhạc”. Hy vọng tất cả chúng ta đều muốn nhảy đẹp nên ai cũng phải cố gắng học nhạc để hòa theo cho đúng điệu. Muốn thế lại phải học, muốn thích nghi được càng phải học, phải học từ sớm, học liên tục, học đến già mới thích nghi được. Khi giảng về bệnh lý tuổi già, giáo sư bậc thầy Đặng Văn Chung ở thế kỷ trước đã nói: “Càng già càng khó thích nghi, từ đó sinh ra bệnh, từ đó sinh ra suy yếu (lão suy) dần”. Lúc trẻ, nóng đến mấy cũng vẫn ngủ được. Có người mồ hôi ướt sũng cả chiếu vẫn ngủ ngon lành. Nay về già thì kêu nóng quá, ngột ngạt quá, chĩa quạt máy thẳng vào người thì ho rũ rượi. Trời nóng người già rất khó ngủ, dùng cả máy điều hòa nhiệt độ cũng chỉ chợp mắt được một lúc. Nằm điều hòa trong buồng lạnh, khi ra ngoài đi toilet, đi tập thể dục, đi bộ, đi ra phố dễ bị cảm nóng ngay. Vì thế cần có buồng trung gian, có quạt máy, thoáng mát một lúc rồi mới ra ngoài nóng để cơ thể thích nghi dần dần mới chịu được tình trạng từ lạnh chuyển sang nóng. Con cái cần biết khả năng khó thích nghi của người già để có cách cư xử tốt với bố mẹ.
Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhiều tấm gương biết cách thích nghi cho phù hợp với hoàn cảnh mới, đó là:
- Các cụ già tập thể dục tại nhà, đi nhiều vòng quanh sân nhà, nhiều vòng quanh hành lang, quanh buồng ở cũng tạo được số km như khi đi bộ hàng ngày lúc chưa giãn cách xã hội.
- Các em sinh viên phải ở nhà học online, nhanh chóng nắm bắt được các thao tác kỹ thuật trên máy tính, trên điện thoại thông minh để có thể theo kịp chương trình học và đã đạt được điểm tốt khi kiểm tra cuối học kỳ.
- Nhiều văn nghệ sĩ đã thích nghi với hoàn cảnh mới mà đã sáng tác ra được những ca khúc yêu đời, lạc quan thúc đẩy con người vượt mọi khó khăn trước mắt để chiến thắng dịch bệnh.
Vì thế, thích nghi được hay không còn phụ thuộc vào môi trường sống xung quanh có thuận lợi, có ủng hộ hay không. Những bài học về thích nghi còn rất dài, rất phong phú. Chỉ biết rằng thích nghi là một quy luật tự nhiên và cũng là một quy luật xã hội. Muốn sống tốt thì thế nào cũng phải thích nghi cho bằng được. Phải thích nghi để tồn tại.