Dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhưng ngành công nghiệp này chưa phát triển. Theo ông Nguyễn Vân- phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, hiện đang có số lượng lớn sinh viên ra trường thất nghiệp, nhưng lĩnh vực này vẫn thiếu nhân lực. Mà một lý do là đào tạo chưa gắn với việc làm, không đáp ứng được đòi hỏi của công việc.
Thiếu nhân lực chất lượng cao, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn nặng về gia công, lắp ráp.
Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm ưu đãi, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp này vẫn nặng về gia công và lắp ráp. Điều này khiến cho tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất thấp, sức cạnh tranh hạn chế… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó chất lượng nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu là một trong những nguyên nhân chính.
Thừa sinh viên, thiếu tay nghề cao
Hiện mỗi năm có khoảng hơn 200.000 sinh viên ra trường nhưng không có việc làm. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc giáo dục chưa gắn với việc làm và đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng suất lao động. Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội (HANSIBA) chỉ ra, nhiều doanh nghiệp (DN) CNHT vẫn than đang gặp khó khăn bởi nguồn lực lao động đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Nguồn lực lao động ra trường hàng năm rất lớn, nhưng DN CNHT vẫn gặp khó khi tuyển dụng bởi phần lớn nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là do đào tạo và tuyển dụng vẫn lệch pha, không “ăn khớp”, do đó, các DN ngành này đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực” – ông Vân chia sẻ.
Thực tế, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu đang là trở ngại lớn của nhiều DN hoạt động trong ngành CNHT. Là một DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác chuyên gia công các sản phẩm cho khách hàng trong các khu công nghiệp, đặc biệt là các DN nước ngoài, ông Lê Huy Thức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT Group) cho biết, nhu cầu của DN hiện nay muốn tiếp nhận sinh viên ra trường nhưng phải làm việc được ngay. Trong khi sinh viên được đào tạo ở cấp đại học đang thừa, thì nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp hiện nay lại vô cùng khan hiếm, khiến DN rất khó tuyển dụng. Dù đã trực tiếp “đặt hàng” nguồn sinh viên ra trường từ nhiều trường đại học, cao đẳng và dạy nghề nhưng đến nay vẫn thiếu hụt.
“Nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình này ngày càng trở nên bức thiết. Hiện trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam thông qua các trường đại học, cao đẳng đang cho thấy sự bất cập, thực sự đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN” – vị này nhấn mạnh.
Thiếu nhân lực giỏi nên công nghiệp hỗ trợ vẫn nặng về gia công, lắp ráp.
Cần có sự hợp tác hai chiều
Yêu cầu tưởng chừng đơn giản của ngành CNHT là chỉ sản xuất những chi tiết phụ, phục vụ việc lắp ráp hoàn chỉnh các thiết bị, máy móc, nhân lực không yêu cầu phải có trình độ kỹ thuật cao mà chỉ cần có kỹ năng tốt và tay nghề đủ đáp ứng công việc. Thế nhưng, theo các chuyên gia trong ngành, hầu hết lao động hiện nay chưa đáp ứng được những yêu cầu đó. Thực tế này khiến các DN ngành CNHT của Việt Nam dường như “bó tay” không thể đẩy mạnh phát triển do không có nhân lực đáp ứng.
Nhận xét về nguồn nhân lực cho CNHT của nước ta hiện nay, TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho rằng, nếu đào tạo sinh viên ngắn hạn nhưng khi ra trường để làm việc được ngay là một yêu cầu rất khó, trong bối cảnh người lao động chưa có tay nghề. Các khoá ngắn hạn chỉ dành cho những người đào tạo lại, bổ sung hoặc đào tạo nâng cao. Do đó, để có nhân sự tay nghề cao, DN cần theo sát quá trình đào tạo dài hạn. Các DN cần trực tiếp liên kết với các trường để có sự hỗ trợ thêm, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hay cung cấp kinh phí cho các cơ sở đào tạo theo số lượng người đăng ký học.
“Hiện các trường, các cơ sở chủ yếu vẫn đang đào tạo theo năng lực và khả năng của mình, dẫn đến nguồn lực chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của DN. Trong khi đó, các DN cũng chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhà trường để yêu cầu đào tạo cái cần, khiến nhiều DN CNHT luôn bị thiếu hụt nguồn nhân lực. Đó đang là trở ngại lớn với DN CNHT” – ông Khánh nêu quan điểm.
Theo ông Khánh, đây có lẽ là thách thức lớn đối với ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay, vì nếu không có được lao động kỹ thuật tốt bổ sung cho sự thiếu hụt của ngành này, Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại trong hội nhập. Và vô hình chung, chúng ta lại “mở cửa” để nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ tốt ở các nước sẽ di chuyển vào Việt Nam.
Nhấn mạnh về yếu tố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HANSIBA cho rằng, cần có sự hợp tác hai chiều giữa DN và các trường học, trung tâm dạy nghề. Nghĩa là các trường đào tạo tiến hành khảo sát, trao đổi với các DN về nhu cầu nhân lực, từ đó xây dựng những phương pháp đào tạo mang tính trọng tâm. Còn phía DN cần có sự hỗ trợ hướng tới việc liên kết chặt chẽ với các nhà trường đưa ra yêu cầu cụ thể, hỗ trợ nhà trường đào tạo nhân lực, tạo việc làm cho sinh viên… có như vậy nhân lực cho CNHT mới thực sự đáp ứng được yêu cầu.
“Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ cần có kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể, nếu không chúng ta sẽ khó nắm bắt được những cơ hội từ cách mạng 4.0 đang ngày càng hiện hữu cũng như hội nhập ngày một sâu rộng, đừng để cơ hội đó bị tuột mất” – ông Hoàng nhấn mạnh.