Mặc dù có khá nhiều gói tín dụng được đưa ra từ các ngân hàng thương mại, song cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn không thể tiếp cận được. Thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục là bài toán khó đối với doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Báo cáo thường niên năm 2016 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đánh giá, nếu không có các chính sách thiết thực hơn, vốn sẽ vẫn tiếp tục là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Bởi vì hiện nay doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng chiếm tỷ lệ cao. Công ty Màu xanh Thế kỷ chia sẻ, do chuyên xuất khẩu hàng hóa đi siêu thị nước ngoài nên thời gian hoàn tất thanh toán thường dao động từ 45 – 60 ngày.
Do thiếu vốn xoay vòng, doanh nghiệp buộc “gõ cửa” ngân hàng song hầu như không thể tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh.
Đồng cảnh ngộ khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh, Công ty TNHH Điện máy Tú Minh Quang (Đồng Nai) cho biết, Công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm điện lạnh.
Tình hình kinh doanh khá ổn định với lượng khách hàng đều đặn, nguồn hàng đảm bảo chất lượng, tuy nhiên công ty “chịu chết” với kế hoạch mở rộng kinh doanh vì không thể tiếp cận được nguồn vốn.
Ngân hàng từ chối vì doanh nghiệp không đứng tên trực tiếp bất cứ tài sản nào. Kết quả, kế hoạch phát triển của công ty không nhúc nhích được.
Theo giới kinh doanh, vốn luôn là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu nút thắt về vốn được tháo gỡ rất nhiều doanh nghiệp Việt sẽ “cất cánh” nhanh trong hoạt động kinh doanh, thay vì bế tắc như hiện nay.
Được biết, hiện nay, mặc dù khá nhiều ngân hàng cho biết, họ đã đồng hành cùng doanh nghiệp với những khoản tín dụng ưu đãi vượt trội, thủ tục đơn giản song DNNVV vẫn không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng với nhiều lý do khác nhau.
Thông cảm với khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, ông Đào Gia Hưng - Phó Giám đốc khối DNNVV của ngân hàng VPBank, khẳng định, khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng là khó khăn chung.
Trong đó có 4 khó khăn cơ bản của doanh nghiệp khi tiếp cận ngân hàng đó là thiếu tài sản đảm bảo, bao hàm cả câu chuyện tài sản được định giá không đúng như mong đợi của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp có dòng tiền, có bạn hàng nhưng chưa có tài sản tích lũy cũng gặp khó khăn, cho nên khoảng cách tiếp cận vốn ngày càng rộng hơn.
Cuối cùng, những doanh nghiệp vừa thành lập cần vốn để phát triển chắc chắn ngân hàng sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải có thời gian kinh doanh dài.
Cũng theo ông Đào Gia Hưng, bên cạnh thiếu tài sản, DNNVV không có hệ thống quản lý tài chính và thiếu tính minh bạch. Cách quản lý không chuyên nghiệp khiến ngân hàng gặp khó khi áp dụng được quy trình cho vay thông thường.
Cùng quan điểm trên, đại diện một số ngân hàng khẳng định, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng chính là năng lực quản lý dòng tiền của các DNNVV.
DNNVV không có khả năng quản lý dòng tiền, không có kế hoạch tài chính, thiếu thông tin về thị trường… là những vấn đề mà DNNVV gặp phải khi ngân hàng thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp.
Một kết quả đánh giá về tỷ trọng tín dụng dành cho DNNVV nêu rõ, tỷ trọng tín dụng dành cho DNNVV liên tục giảm dần. Cụ thể, năm 2011, tổng dư nợ ở mức 60%, năm 2015 là 51% và dự báo có thể đến năm 2018 tổng dư nợ chỉ đạt ở mức 41%.
Chính vì không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên doanh nghiệp tìm đến tín dụng đen nhiều hơn. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam mới thông tin, qua khảo sát trên 2.600 doanh nghiệp thì có 70% DNNVV tìm đến tín dụng đen để đầu tư sản xuất. Đây được xem là “điểm nghẽn” cản trở DNNVV phát triển.