Kinh tế

Thỏa thuận xanh EU: Doanh nghiệp chủ động thích ứng

Nam Anh 21/11/2023 10:37

Là thị trường có sức mua lớn, Liên minh châu Âu (EU) luôn nằm trong tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, khảo sát do Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây cho thấy, 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua về Thỏa thuận Xanh (EGD).

anh-bai-tren.jpg
Bốc dỡ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Cát Lái. Ảnh: N.Anh.

Nhiều doanh nghiệp chưa biết đến EGD

EGD đã được thông qua ngày 15/1/2020, định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050. EU được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong các nỗ lực chuyển đổi xanh này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai EGD từ đầu năm 2020. Theo đánh giá từ khi EU triển khai đã có nhiều chính sách xanh có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong EGD đang và sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên, một khảo sát nhanh do Trung tâm WTO và Hội nhập thực hiện vào tháng 8/2023 cho thấy, có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới EGD hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp (DN) biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác (8-12%).

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự EU. Các chính sách xanh của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu; đồng thời gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững”.

“Điều cần làm là các DN phải chủ động tìm hiểu về Thỏa thuận Xanh để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu” - bà Trang nhấn mạnh.

Chủ động chuyển đổi sản xuất xanh

Là thị trường có sức mua lớn, EU trước nay luôn nằm trong tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại có thể làm suy giảm tạm thời cầu ở thị trường này, EU vẫn là thị trường rất tiềm năng với xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt với những cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Theo Bộ Công thương, năm 2022, thị trường EU chiếm tới 12,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới, tăng trưởng 16,7% so với năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng chung đi tất cả các thị trường (10,5%). Với vị trí như vậy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu Việt Nam.

Làm thế nào để DN xuất khẩu Việt Nam nắm bắt những quy định về thỏa thuận xanh để từ đó thúc đẩy cơ hội xuất khẩu sang EU? Trả lời câu hỏi này tại hội thảo mới đây bàn về thách thức của DN trước quy định về Thỏa thuận xanh từ EU, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, những tiêu chuẩn xanh của EU bao trùm hầu hết sản phẩm được xem là thế mạnh của Việt Nam. Sau EU, nhiều thị trường khác cũng sẽ thay đổi theo.

Cũng theo ông Hải, mặc dù quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước để có thể dần thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều khi có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025. Vì thế, các DN không nên chờ đợi đến khi EU bắt đầu áp dụng, mới gấp rút ứng phó mà ngay từ bây giờ nên chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh.

“Những đòi hỏi, tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Các DN Việt Nam cần nắm rõ những biến động mới để thích ứng. Chính phủ cũng cần sớm ban hành xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn rõ ràng để lượng hóa tiêu chuẩn xanh, cũng như có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp có động lực chuyển đổi sang sản xuất xanh” - ông Hải nhấn mạnh.

Việt Nam là một trong các quốc gia có những cam kết mạnh mẽ về môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó có cam kết tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để đạt mục tiêu này, xanh hóa sản xuất phải được thực thi trong tất cả các mắt xích của các ngành sản xuất, gia tăng tỷ trọng hàng hóa sản xuất theo quy trình xanh hóa (giảm tiêu dùng nước, năng lượng, giảm phát thải ra môi trường, sử dụng nguyên liệu thân thiện, có khả năng tái chế cao...). Để thực hiện cam kết của mình, tới đây Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” sẽ được Bộ Công thương tổ chức vào ngày 24/11/2023 tại Hà Nội, quy tụ 300 chuyên gia, DN, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, diễn đàn quy mô hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các hiệp hội và DN.

Theo Bộ Công thương, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự EU. Chính vì vậy, kinh doanh có trách nhiệm và bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc với các DN sản xuất hàng xuất khẩu, bởi các yếu tố này tác động đến chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thỏa thuận xanh EU: Doanh nghiệp chủ động thích ứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO