Ít ai có thể nghĩ rằng ở vùng quanh năm động đất, ngay trên hồ thủy điện Sông Tranh 2, những năm qua đã hình thành xóm nổi nuôi cá lồng bè trên hồ. Họ tự tin với nghề mưu sinh mới và đã chứng minh được hiệu quả.
Xóm lồng bè trên lòng hồ Sông Tranh.
Xóm nổi trên hồ thủy điện
Xóm này hình thành từ những hộ dân sinh sống trong khu vực thủy điện Sông Tranh 2, do thiếu đất sản xuất và khó khăn trong mưu sinh. Chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ người dân tổ chức nuôi cá bè ở đây.
Dần dà, hơn chục ngôi nhà bằng gỗ được dựng trên mặt hồ thủy điện. Họ ở đó sinh sống và nuôi cá, những ngôi nhà yên bình in bóng trên mặt hồ trong veo.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh (50 tuổi) là một trong những chủ nhân của những ngôi nhà nổi này. Rót nước mời khách niềm nở và ông bắt đầu câu chuyện kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời về mưu sinh của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, một trong những hộ dân sống ở xóm lồng bè sớm nhất thu hoạch ếch dưới bè.
Ông Cảnh vốn là người gốc Thanh Hóa, gia đình vào Bắc Trà My lập nghiệp khoảng chừng 23 năm nay. Gia đình ông làm đủ nghề để mưu sinhh từ làm lúa rẫy đến trồng rừng và cả làm thuê mướn.
5 năm trước, khi huyện có chủ trương khuyến khích mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện, ông là một trong những người tiên phong xuống hồ.
“Lúc đầu chưa biết như thế nào nên mình tôi ra dựng lồng bè để nuôi cá và ăn ở tại đây, vợ con ở nhà cũ trên bờ. Thế rồi dần dà cả gia đình xuống đây ở luôn, sớm tối có nhau” - ông tâm sự.
Ngôi nhà nổi được ông Cảnh làm bằng gỗ, phía dưới là khu lồng bè vững chãi. Phía trên nhà có đầy đủ bàn ghế, giường, tủ, tivi,… và các vật dụng hầu như không thiếu thứ gì của một gia đình cần phải có.
Theo ông Cảnh, để làm được cơ ngơi này, đầu tiên huyện hỗ trợ vốn vay hơn trăm triệu, việc đầu tiên là dựng các lồng bè nuôi cá và làm một ngôi nhà ván hơn 20 m2 để ở.
“Mới đầu tôi chỉ làm 4 lồng nuôi cá diêu hồng, trê, rô phi. Sau một thời gian nuôi và đi các nơi học hỏi thêm kinh nghiệm, tôi bắt đầu nuôi loại cá cho hiệu quả kinh tế cao như cá chình, cá lăng, ếch. Giờ đây tôi đã có trên 20 lồng”- nói xong ông Cảnh nở nụ cười mãn nguyện, đưa tay chỉ các lòng bè và cho biết: “Có rứa đó, chứ cần mẫn làm ăn mỗi năm có thể thu nhập của hơn trăm triệu đồng, có tiền nuôi ba đứa con ăn học và danh dụm lúc nắng mưa”
Bà Nguyễn Thị Xoan (48 tuổi), vợ ông Cảnh không dấu niềm vui. “Chừ hình thành đâu vào đó rồi thì rất an tâm, chứ hồi đầu nghe ổng nói xuống lòng hồ để ở và nuôi cá tôi lo lắm.
Vì sống nơi hay động đất, ở trên bờ cũng sợ chứ đừng nói sống trên mặt nước. Nhưng giờ quen rồi các chú à!”.
Gia đình ông Cảnh không là trường hợp cá biệt mà ở đây còn có nhiều gia đình cũng vậy, từ ở trên bờ, trên đất họ quyết tâm chuyển xuống nước, ở trên các ngôi nhà nổi để mưu sinh.
Như gia đình anh Huỳnh Viết Dũng (38 tuổi, thôn 4, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) cách đây 3 năm đã bán hết nhà cửa, đưa vợ con xuống lòng hồ dựng nhà trên các lồng bè để ở và nuôi cá.
Anh Dũng tâm sự: “Cái xóm này tôi là chủ hộ trẻ tuổi nhất. Nhưng hai vợ chồng tôi cũng chí thú lo làm ăn. Bám riết rồi yêu cái nghề này, nhất là khi thấy từng đàn cá quậy tung cũng thấy quên hết nỗi nhọc nhằn”.
Người dân bên những lồng bè nuôi cá của mình.
Ở xóm nổi này, người thì gốc ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế,… đến định cư, còn lại người Ca Dong, người Kinh ở Bắc Trà My, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng có chung niềm đam mê là nuôi cá bè lồng. Theo các hộ này, việc nuôi các bè ở đây rất thuận lợi vì là nguồn nước sạch, thức ăn dồi dào nên cá phát triển tốt.
Ông Trần Văn Mạo (45 tuổi) cho biết, cả gia đình ông đều ở trên bè, cứ mỗi năm có tiền lãi từ việc bán cá ông lại đầu tư mở rộng thêm lồng bè và chú trọng nuôi những loại cá đặc sản có giá thành cao.
Ngoài chợ gia đình ông có hẳn một cửa hàng bán cá cho toàn huyện. Mỗi năm thu nhập của gia đình hơn trăm triệu đồng, năm 2016 hơn 250 triệu.
“Đến nay tôi đã trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư mở rộng lồng bè. Chính nhờ nuôi các lồng bè mà cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn trước, con cái có điều kiện ăn học tốt hơn”- ông Mạo bộc bạch.
Tình người nơi xóm nổi
Nuôi cá lồng bè và sống trên hồ nước cũng đối diện với nhiều khó khăn và hiểm nguy. Việc đi lại đều phải dùng thuyền. Hằng ngày chèo thuyền đưa con cái lên bờ đến trường kiếm chữ.
Chiều về, bọn trẻ đứng ở bờ hồ gọi cha mẹ í ới bơi ghe ra chở về nhà. Tối đến có nhà thì dùng điện bằng máy nổ chập chờn, con cái học phải học dưới ánh đèn tờ mờ.
Mọi hoạt động của người dân xóm nổi đều nhờ thuyền nan.
“Chúng tôi lo sợ nhất là lúc bọn trẻ sơ sẩy rủi chúng nó rớt xuống hồ có mà khổ cả đau cả đời! Đã có nhiều trường hợp trẻ rớt xuống nước, may mà người lớn phát hiện, kịp thời cứu được chứ không thì chẳng biết nói thế nào”- anh Dũng lo lắng nói.
Động đất cũng là mối lo lớn, “Sống trên bờ có những trận động đất làm lắc rung nhà của, bà con phải bỏ chạy ra ngoài, mình ở trên nước chạy ngã mô. Lo lắm, nhưng mà nghe nói động đất kích thích dần dần sẽ chấm dứt và cũng chưa xảy ra hậu quả chi nặng nề nên cũng tạm thời an tâm”.
Nhưng hơn tất cả vẫn là mưa lũ. Vào mùa mưa, Sông tranh dữ dằn, nước từ thượng nguồn xối xả đổ về, sóng đánh ào ạt, các nhà trên lồng bè cũng chao đảo theo con nước. Những đêm gió lớn, mưa xối xả kèm lốc xoáy trên mặt hồ thì các gia đình ở đây đều thức trắng. Sóng lớn xé toạc lưới làm cá tràn ra ngoài thì coi như mất trắng.
Ông Cảnh cho biết: “Mùa mưa năm ngoái, nhiều lồng bè ở đây bị lốc xoáy xé toạc, cá tràn ra ngoài, nhiều gia đình bị thiệt hại rất nặng. Mỗi khi có lốc xoáy, ở trên hồ kinh hoàng lắm. Nhà cửa rung lắc mạnh theo sóng nước. Vợ chồng, con cái phải mặc áo phao mà vì sợ nhà sụp, bè trôi. Rồi động đất, ai cũng sợ, nhưng ở riết rồi đâm quen. Còn phải lo đầu ra cho cá, trăm thứ lo lắng mưu sinh”.
Nghề nuôi vất vả đã xích họ lại gần nhau, ở đây bà con có cái gì cũng san sẻ cho nhau. Một gia đình có người đau là cả xóm lo lắng quan tâm.
Ai đi lên bờ mua sắm được cái gì đem về cũng san sẻ cho nhau, từ bó rau, chút muối, chút mắm cho đến miếng thịt, gói trà. Khi có việc gì ới một tiếng là cả xóm có mặt. Họ quý nhau như máu mủ, ruột rà.
Những ngôi nhà gỗ được dựng chắc chắn trên lồng bè.
“Đối với chúng tôi, những lúc trời yên nước lặng, đêm trăng thanh gió mát, họ cũng ới nhau qua nhà nhâm nhi tách trà, ly rượu quây quần tâm sự. Người dân ở xóm lồng bè nói rằng, mùa vui nhất với họ chắc lẽ những ngày thu hoạch cá bán cho thương lái. Cả xóm người người ra vào tấp nập, chộn rộn như chợ nổi ở miền Tây. Bán cá xong, cả xóm chung tay làm mâm cúng sông nước. Rồi quây quần bên nhau uống chén rượu mừng thành quả. Lúc đó sao mà thấy vui quá chừng”- ông Cảnh xúc động.
Được biết, xóm nổi nuôi cá lồng bè này bắt đầu hình thành từ năm 2012 do UBND huyện khuyến khích người dân thực hiện để thoát nghèo.
Theo đó, mỗi hộ được vay không lãi suất 120 triệu đồng, ngoài ra còn hỗ trợ kỹ thuật, con giống. Đến nay đã có 180 lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình khấm khá, nhiều hộ đã thoát nghèo.