Thoát nghèo từ mô hình trang trại

Hà Giang 15/02/2017 10:10

Vị Xuyên (Hà Giang) vốn được coi là có thế mạnh về chăn nuôi. Tuy nhiên, thế mạnh này vẫn dừng ở mức quảng canh. Bằng việc “bỏ nhỏ lẻ”, vươn lên một bước với cái đích là sản xuất hàng hóa nên hiện nay đàn gia súc, gia cầm ở Vị Xuyên đã tăng lên cùng với các mô hình làm kinh tế thoát nghèo.

Bằng việc khuyến khích, nhiều mô hình trang trại ở Vị Xuyên đã ra đời tạo thế thoát nghèo cho dân.

Những năm qua, ngành chăn nuôi của huyện Vị Xuyên có bước tăng trưởng khá, tốc độ phát triển nhanh theo hướng hàng hóa.

Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, tạo nền tảng phát triển chăn nuôi bền vững. Việc này đã từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Vị Xuyên là 771.218 con. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vị Xuyên, chăn nuôi đã tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân; góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Sở dĩ Vị Xuyên có những kết quả này là trong thời gian qua huyện đã áp dụng nhiều chính sách tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, các cấp chính quyền cũng đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; trang bị kiến thức về phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó việc hướng dẫn các hộ làm chuồng trại kiên cố, đưa gia súc về nuôi nhốt tại nhà chứ không thả rông như trước đã tạo ra một sự đổi thay lớn trong phát triển bền vững chăn nuôi.

Cán bộ và những đoàn viên tích cực đã vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trống, đồi trọc và đất vườn tạp để trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi. Hiện, diện tích cỏ toàn huyện là 1.978,5 ha, trong đó diện tích trồng mới 543,4 ha.

Các mô hình lớn đã đem lại thu nhập và đổi thay đáng kể cho người dân. Đến thăm trang trại chăn nuôi bò của gia đình Đỗ Minh Thông (thôn Lùng Châu, xã Phong Quang), nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước quy mô chuồng trại rộng lớn của gia đình.

Chị Thông cho biết, hiện gia đình đang thuê 8 lao động thường xuyên, vừa trồng cỏ, chăm sóc đàn bò, vừa chăm sóc, thu hoạch vườn thanh long rộng 1,6 ha.

Cũng hướng đến phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhưng anh Nguyễn Văn Toàn (thôn Chang, xã Việt Lâm) lại lựa chọn con lợn làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Anh Toàn cho biết, năm 2009, tôi quyết định cải tạo vườn đồi bỏ hoang của gia đình để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa.

Ban đầu chỉ xây 1 dãy chuồng trại với hơn chục ô, nuôi 3 con lợn giống. Đến nay, gia đình tôi có 4 dãy chuồng trại với tổng cộng trên 40 ô, nuôi 40 con lợn nái và trên 400 con lợn thịt.

Bằng việc đầu tư bài bản này, hiện mỗi năm gia đình anh Toàn đã cung cấp cho thị trường từ 60 – 80 tấn lợn hơi. Sau khi trừ chi phí gia đình có một khoản lãi ròng từ 200 – 300 triệu đồng/năm...

Cùng với những tấm gương điển hình như chị Thông, anh Toàn, trên địa bàn huyện Vị Xuyên ngày càng xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoát nghèo từ mô hình trang trại