Nếu như năm 2015 việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá thành công khi có dự án tỷ đô như dự án SamSung Display đầu tư vào Việt Nam thì ngay những ngày đầu năm kinh tế 2016, các dự án trong chuỗi sản xuất công nghệ điện tử cũng đã có mặt tại Việt Nam.
Vị khách xông đất đầu năm là dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử của Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia). Với vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD, nhà đầu tư này dự định xây dựng nhà máy Aureumaex Precision Plastics, chuyên sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại TV thông minh, TV LCD và TV LED có độ chính xác cao. Dự án này hướng tới đích nhắm cung cấp sản phẩm cho Samsung.
Cũng ngay trong tháng 1, giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng nhà máy động cơ cho các loại máy giặt, tủ lạnh, điều hòa không khí và máy hút bụi của Công ty TNHH New – Hanam cũng đã được cơ quan quản lý Việt Nam cấp cho nhà đầu tư Hàn Quốc. Dự án này được xây dựng trên diện tích 3 ha và có số vốn đầu tư đăng ký 74 triệu USD, mục tiêu sản xuất khoảng 13 triệu động cơ các loại mỗi năm… Tiếp theo là dự án của Công ty TNHH INTOPS với tổng vốn đầu tư đăng ký 80 triệu USD, mục tiêu sản xuất là đồ điện tử và linh kiện công nghệ thông tin. Dự án được xây dựng trên diện tích 4 ha và trong giai đoạn đầu sẽ chủ yếu sản xuất phụ tùng và cấu kiện hàng điện tử gia dụng cho dự án của Samsung. Dự kiến khi đi vào hoạt động, công suất sản xuất của dự án sẽ đạt khoảng 6,5 triệu sản phẩm/ năm…
Có nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, cánh cửa cho ngành sản xuất công nghiệp điện tử đang mở ra. Đặt trong bối cảnh mục tiêu đến năm 2020 phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam với công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới thì sự xuất hiện ngay trong những ngày đầu năm của các dự án ngoại là cần thiết. Đầu xuôi, đuôi lọt, mở màn tốt, thì càng nhiều hi vọng sản xuất được sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao.
Các nền kinh tế có thiên hướng mở cửa cho vốn FDI nhiều khả năng sẽ chiến thắng trong cuộc đua. Việt Nam, với tư cách là thành viên của hàng loạt khu vực thương mại tự do lớn trên thế giới, có diện tích rộng, dân số đa dạng, nguồn lao động rẻ và nằm tại trung tâm 3 nước lớn ở châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia) đang đứng trước lợi thế lớn. Nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng rằng, Việt Nam sẽ trở thành một nền kinh tế lớn trong khu vực ASEAN và trở thành công xưởng mới của thế giới trong 15-20 năm tới.
Việc bội thu đàm phán, và ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự vận hành Cộng đồng Kinh tế ASEAN là điểm tựa rất lớn để hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới.