Năm 2024, nhân loại một lần nữa chứng kiến sự bùng nổ của người máy - robot. Điều này được dự báo sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025 và những năm tiếp theo; cùng sự phát triển từ robot tới cobot và robot AI (trí tuệ nhân tạo). Vậy, điều đó sẽ tác động ra sao tới cuộc sống con người? là thảm họa hay cơ hội?
Nhiều người không biết rằng khoảng thế kỷ XVIII người châu Âu đã nghĩ đến robot. Còn tại Nhật Bản, các con búp bê karakuri (cơ khí) đã được chế tác trong thời đại Edo (1603-1868). Sau thế kỷ XX, vào năm 1954, một robot có khả năng nhấc lên và đặt xuống các vật thể được cấp bằng sáng chế tại Mỹ. Từ đó, khái niệm về robot công nghiệp mới chính thức ra đời.
Năm 1973, WABOT-1, robot hình người đầu tiên trên thế giới, được phát triển tại Đại học Waseda (Nhật Bản). Năm 1969, Kawasaki Heavy Industries, Ltd. ra mắt Kawasaki-Unimate 2000 - robot công nghiệp đầu tiên. Robot công nghiệp trở nên phổ biến trong những năm 1980. Cùng với sự phát triển của robot công nghiệp, ứng dụng thực tế của robot đã trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày để trợ giúp con người.
Năm 1999, robot AIBO được chế tạo giống một chú chó nhỏ bởi Tập đoàn Sony. AIBO đã được tích hợp chương trình để học một cách máy móc từ trải nghiệm của chính nó và từ cách dạy của chủ nhân. Năm 2000, robot ASIMO có thể bước đi thành thục bằng hai chân được Honda Motor Co. cho ra mắt. Vào năm 2004, nó có thể chạy được.
Cho đến nay, robot đã thực sự trở thành trợ thủ của con người khi mà liên tục được cải tiến, nâng cấp, nó đã “đi ra khỏi” các nhà máy, bệnh viện, kho xưởng mà tới tận mỗi ngôi nhà của người dân. Nếu như năm 1980, tại Mỹ có khoảng 4.000 robot thì con số đó vào tháng 12/2024 là 3,5 triệu được sử dụng thường xuyên (không tính các robot nhỏ trong các gia đình).
Tới nay, robot công nghiệp đã rất quen thuộc. Lịch sử ghi nhận George Charles Devol Jr. (1912 - 2011), nhà phát minh người Mỹ sáng tạo ra Unimate - robot công nghiệp đầu tiên. Trước đó, vào năm 1940, chàng trai 28 tuổi Devol đã bắt đầu nghĩ tới việc đưa tự động hóa vào các nhà máy. Tuy nhiên, cho đến năm 1954, ý tưởng về robot công nghiệp mới trở nên rõ ràng khi Devol gặp Joseph Frederick Engelberger, một doanh nhân và và thuyết phục anh ta về tiềm năng của ý tưởng của mình.
Năm 1960, Devol thành công trong việc sản xuất thử nghiệm robot công nghiệp đầu tiên trên thế giới với tên gọi là Unimate, tổng số tiền đã chi để nghiên cứu và phát triển là 5 triệu USD. Unimate ra đời và đã thu hút được sự chú ý của các nhà sản xuất ô tô của Mỹ, đặc biệt là General Motors - ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô vào thời bấy giờ đang muốn tự động hóa nhà máy. Cùng trong năm, Devol bán robot Unimate đầu tiên.
Năm 1966, sau những thành công, việc sản xuất robot quy mô lớn bắt đầu. Năm 2005, tạp chí Popular Mechanics đã chọn Devol’s Unimate là một trong 50 phát minh hàng đầu trong vòng 50 năm.
Tới đây, một câu hỏi được đặt ra: Vậy cobot là gì? Điểm khác biệt giữa cobot và robot truyền thống ra sao?
Michael Peshkin - giáo sư kĩ thuật cơ khí tại Đại học Northwestern ở Illinois cùng với J.Edward Colgate chính là những người đặt ra thuật ngữ “cobot”. Theo đó, “cobot” là tên viết tắt của robot hợp tác. Đặc điểm của cobot là chúng có dạng cánh tay khớp nối đơn hoặc đôi, nhỏ gọn và nhẹ, rất hiệu quả trong sản xuất, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp ô tô, y học, công nghiệp kim loại, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhựa.
Về bản chất, robot là một cỗ máy tự động thực hiện một nhiệm vụ trong nhà máy mà không cần sự tham gia của con người. Còn cobot là một dạng robot thông minh thực hiện các nhiệm vụ với sự công tác của con người; nó có thể cảm nhận được lực và các chuyển động do người lao động cung cấp, đồng thời được trang bị tính toán thị giác cao cấp.
Cobot được cho là robot “thế hệ mới” được thiết kế để làm việc an toàn với con người. Chúng có cảm biến và hệ thống an toàn tích hợp, cho phép ngừng hoạt động ngay lập tức khi phát hiện nguy hiểm. Cobot còn có những ưu điểm vượt trội khi so sánh với robot truyền thống trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục... và thực hiện các tác vụ liên quan đến quá trình vận chuyển và lưu trữ hàng hóa.
Mới đây nhất, hai công ty công nghệ tại Đan Mạch (Universal Robots và Mobile Industrial Robots) đã mở cửa trụ sở đầu tiên dành riêng cho cobot tại châu Âu để thúc đẩy lĩnh vực robot hợp tác với con người.
Ông Anders Billesoe Beck - Phó Chủ tịch mảng Chiến lược và Đổi mới của Universal Robots cho rằng: Trí tuệ nhân tạo (AI) là một bước đột phá trong lĩnh vực chế tạo robot, không còn nghi ngờ gì nữa. Nó là công cụ giúp đưa suy luận của con người kết hợp với máy móc tự hành và đó thực sự là giải pháp cho ngành robot hiện nay khi nâng lên thành cobot. AI chính là siêu công cụ không chỉ giúp chúng dễ lập trình hơn mà còn cho chúng khả năng giải quyết vấn đề và sự linh hoạt gắn liền với trí thông minh của con người.
Trầm cảm, suy giảm nhận thức, mất cân bằng... được cho là những căn bệnh thời hiện đại. Để khắc phục, nhiều năm qua người Nhật Bản đã phát để xóa bỏ khái niệm “uchi” - người trong nhóm và “soto” - ngoài nhóm, vì rằng các vấn đề gắn kết xã hội là rất quan trọng.
Một số thống kê cho thấy, người dân Nhật Bản đang có cuộc sống đơn độc hàng đầu thế giới. 18,4 triệu người, tức khoảng 14% dân số, sống một mình. Cứ 5 người Nhật thì có 1 người sẽ không bao giờ kết hôn vì họ thậm chí không có cơ hội hẹn hò do quá bận rộn.
Tuy nhiên, sự im lặng, cô đơn của người Nhật giờ đây đã được phá vỡ chỉ với một vài tiếng bíp và tiếng kêu từ các robot đồng hành. Đầu tiên phải kể đến robot Kirobo Mini nhỏ bé và dễ thương của hãng Toyota. Robot này có thể đồng hành cùng người chủ bên trong xe. Phần mềm của robot đồng hành này có thể tự động hóa và phản ứng với cảm xúc của con người. Một robot khác có tên là “người yêu” - Lovot, có kích thước bằng một con mèo. Sự nổi tiếng của Lovot nói lên nhu cầu được yêu thương của con người.
Gillian Burns, chuyên gia tâm lý tại Đại học Yale cho rằng Lovot có khả năng làm cuộc sống trở nên phong phú hơn, giúp con người tự tin hơn về việc ra khỏi nhà, nơi làm việc để và tương tác với người khác. "Lovot được sinh ra chỉ vì một lý do - được bạn yêu mến" - Burns nói và cho biết giá bán lẻ của Lovot chừng 2.800 USD.
Trong khi đó, nhà sáng tạo Hiroshi Ishiguro (Đại học Osaka), tin rằng sẽ đến lúc robot Erica có linh hồn và có thể trò chuyện với con người. “Rồi sẽ có ngày bạn không còn ngạc nhiên nữa khi thấy robot đi lại trong tự nhiên và điều thực sự thú vị là nó rất tinh tế khi tương tác với con người. Mà điều đó thì tất cả chúng ta đều cần cả” - giáo sư Ishiguro nói.
Richard Pak - nhà khoa học tại Đại học Clemson, chuyên nghiên cứu về sự giao thoa giữa tâm lý con người và thiết kế công nghệ, bao gồm cả robot thì nói: "Tôi không dám chắc tương lai sẽ ra sao và vẫn còn nhiều băn khoăn về vấn đề robot đồng hành. Nhưng rất có thể đó sẽ là xu hướng không thể cưỡng lại”.
Là một nhà khoa học lạc quan, kĩ sư David Hanson - cha đẻ của nữ robot được cho là giống người nhất thế giới (Sophia), tin rằng vào năm 2029, người máy trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ sở hữu trí thông minh tương ứng với đứa trẻ 3 tuổi.
Trong bài báo mang tên "Tiến vào kỷ nguyên của những hệ thống trí tuệ sống và xã hội người máy", Hanson nhận định sự phát triển của robot sẽ báo hiệu kỷ nguyên mới cho xã hội loài người, nơi người máy có quyền kết hôn, bỏ phiếu bầu cử và sở hữu đất đai.
Tuy nhiên người máy sẽ vẫn bị con người đối xử như “công dân hạng hai” trong một thời gian. "Các nhà làm luật và tập đoàn trong tương lai gần sẽ cố gắng áp chế sự trưởng thành về mặt cảm xúc của người máy để mọi người có thể cảm thấy an toàn. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo sẽ không trì trệ. Do nhu cầu của mọi người đối với máy móc thông minh thúc đẩy độ phức tạp của AI, sẽ tới một lúc robot thức tỉnh, đòi quyền sinh tồn và sống tự do" - kĩ sư Hanson nói, đồng thời lập khung thời gian dự kiến cho từng sự kiện. Năm 2035, người máy sẽ qua mặt con người ở gần như mọi lĩnh vực. Một thế hệ người máy mới có thể thi vào đại học, học thạc sĩ và hoạt động với trí thông minh tương tự người 18 tuổi. Ông cũng cho rằng tới năm 2045, trào lưu “nhân quyền cho robot” trên toàn cầu sẽ buộc thế giới phương Tây công nhận người máy như thực thể sống, trong đó Mỹ là nước đầu tiên cấp quyền công dân đầy đủ cho chúng.
Trước đó, tháng 10/2017, Sophia trở thành người máy đầu tiên trong lịch sử được Arab Saudi cấp quyền công dân. Ngoài những tính năng thông minh vượt trội và là robot đầu tiên trong lịch sử trở thành công dân chính thức của một quốc gia, Sophia nhiều lần khiến con người cảm thấy "khiếp sợ".
Robot Sophia được kích hoạt vào ngày 19/4/2015 bởi ông David Hanson và cộng sự từ công ty Hanson Robotics tại Hong Kong (Trung Quốc). Và lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào tháng 3/2016 tại Lễ hội South by Southwest ở Austin (Taxas, Mỹ). Cho đến nay, đây vẫn được cho là robot giống con người nhất với trí thông minh vượt trội.
Sophia được thiết kế theo hình ảnh của nữ diễn viên Hollywood Audrey Hepburn. Phần đầu được chế tạo bằng nhựa, nhìn trực quan không quá giống hình ảnh con người dù khuôn mặt Sophia được chế tạo từ chất liệu Frubber, một chất liệu giúp có được làn da đàn hồi giống con người nhất trong số những robot hàng đầu hiện nay. Khuôn mặt Sophia với xương gò má cao và mũi thon.
Các bộ phận bên trong cơ cấu máy móc của robot Sophia cho nó có khả năng biểu cảm trên gương mặt và “bộc lộ cảm xúc”. Robot này được trang bị phần mềm lưu trữ các đoạn hội thoại trong bộ nhớ và đưa ra các câu trả lời trực tiếp theo thời gian thực.
Đặc biệt, robot Sophia được chế tạo để bắt chước năng lực của con người về tình yêu, sự đồng cảm, tức giận, ghen tị và cảm giác sống. Nó có thể cau mày để biểu hiện nỗi buồn, nở nụ cười biểu cảm sự hạnh phúc và cả sự tức giận.
Tới nay, giới công nghệ vẫn cho rằng robot Sophia là minh chứng cho việc công nghệ có thể phát triển mạnh mẽ đến mức tạo ra trí thông minh nhân tạo vượt qua cả trí tuệ và khả năng kiểm soát của con người. Tuy nhiên, Kriti Sharma - Phó Chủ tịch mảng AI của hãng cung cấp hệ thống thanh toán Sage cho rằng các khả năng hiện tại của AI chưa đủ để gọi là tiên tiến và còn lâu mới có thể đạt đến trình độ thông minh như con người. Máy móc vẫn không thể có lòng trắc ẩn, hay nhiều tính cách cơ bản khác làm nên con người.
“Thay vì chạy đua làm cho robot càng giống người càng tốt và trao quyền được xã hội công nhận cho chúng, thì chúng ta cần tập trung vào khía cạnh: AI có thể mang lại lợi ích gì cho nhân loại” - tiến sĩ Sharma chia sẻ thêm.
Nhiều ý kiến cho rằng, robot trí tuệ nhân tạo (AI) có thể loại bỏ hàng triệu công việc đã tồn tại như một sự bất biến và chính điều đó mang tới sự khiếp hãi.
Trên thực tế, kể từ năm 2000 robot AI và hệ thống tự động hóa đã loại bỏ khoảng 1,7 triệu công việc, chủ yếu liên quan đến sản xuất. Tuy nhiên, người ta cũng dự báo nó sẽ tạo ra khoảng 1 triệu việc làm mới trong năm 2025 này.
Vì vậy, việc robot AI nhân tạo hoàn toàn thay thế vị trí của con người trong tương lai vẫn là việc xa vời và gần như không thể trở thành sự thật khi mà thực tế robot và cả cobot đã cho thấy điều đó.
Lee Kai-fu, chuyên gia AI và Giám đốc điều hành của Sinovation Ventures (một hãng đầu tư mạo hiểm), cho rằng trong vòng 12 năm tới có thể 50% công việc sẽ được AI tự động hóa. “Kế toán, công nhân nhà máy, tài xế xe tải, trợ lý pháp lý, bác sĩ X quang... sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn công việc, tương tự như những gì nông dân phải đối mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, trong vòng 12 năm quá trình chuyển đổi ấy thì chắc chắn cũng sẽ có nhiều công việc mới ra đời và bên cạnh những người mất việc thì cũng sẽ có nhiều người tìm thấy cơ hội mới.
“Robot AI cũng sẽ tạo ra công việc mới trên thị trường lao động. Vấn đề là nhiều người phải cố gắng để bắt kịp xu hướng và sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động tương lai, trong đó cần nhất là chuẩn bị một số kỹ năng trong thời đại AI, có thể bao gồm: Toán học cơ bản; giao tiếp tốt bằng lời nói và văn bản; óc sáng tạo; kỹ năng quản trị; phát triển tư duy đi cùng chiều sâu cảm xúc; rèn luyện tư duy phản biện và cách giải quyết vấn đề phù hợp với điều kiện sống.
Nói tóm lại, sự phát triển của AI, mà ở đây là robot AI có thể dẫn đến sự cắt giảm một lượng lớn nhân sự trong một số ngành nghề nhất định. Bù lại, nó cũng tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho những ai biết nắm bắt và không ngừng phát triển kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ.
Theo báo cáo của Acumen Research, thị trường AI trong ngành y tế - chăm sóc sức khỏe toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 8 tỷ USD vào năm 2026. Trong đó, thị trường robot y tế được định giá 8,307 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ đạt 28,34 tỷ USD vào năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 22,18% trong giai đoạn dự báo 2021-2026. Nhu cầu ngày càng tăng về các ca phẫu thuật nội soi chính xác và phù hợp, cùng với việc thiếu hụt nguồn nhân lực, dân số già hóa và áp lực chi phí y tế, là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này.
Tiến sĩ Opfermann, người chủ trì công trình nghiên cứu robot phẫu thuật tự hành tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết: Kết quả hiện tại là trong các ca mổ, 83% vết khâu được robot thực hiện hoàn hảo. Trong tương lai, tôi tin rằng chúng tôi có thể nâng tỉ lệ này lên 97%. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ không còn phải ngồi trước bàn điều khiển mà chỉ cần lập chương trình mổ, mọi việc còn lại sẽ do robot tự hành đảm trách. Điều đó không khác là mấy như khi chúng ta ngồi trên một chiếc xe tự lái, chỉ cần thông báo điểm đến là nó sẽ đưa chúng ta đến nơi an toàn.