Khai thác du lịch không thể chỉ trông chờ vào tình yêu, sự đồng cảm của du khách mà các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú cần xác định du lịch Việt chinh phục, thu hút khách Việt bằng những sản phẩm hấp dẫn…
Những ngày đầu của tháng 7, trong khi đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, bùng phát trở lại ở một số quốc gia; tại nhiều địa phương, vùng - miền trên cả nước, đã diễn ra hội nghị hợp tác, liên kết nhằm đưa bức tranh du lịch Việt Nam dần trở về với gam màu sáng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm vàng để du lịch Việt Nam vượt qua khủng hoảng của đại dịch và cũng là lúc để du lịch Việt Nam nhận diện lại chính mình sau hàng chục năm “mưa thuận gió hòa”.
Sáng 3/7, Ngày hội kích cầu du lịch TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL khai mạc tại TP Cần Thơ nhằm giới thiệu trưng bày, quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch mới, điểm đến an toàn của TPHCM và của 13 tỉnh, TP của ĐBSCL. Chiều 3/7, tại TP Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị xúc tiến, kích cầu du lịch giữa Đà Nẵng và Gia Lai, thu hút gần 100 doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành của 2 địa phương.
Trước đó, vào chiều 30/5, tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đại diện lãnh đạo, ngành quản lý và các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành, lưu trú của Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã ký kết, công bố chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch với thông điệp được đưa ra là cả 3 địa phương đều trở thành điểm đến an toàn và mến khách.
Có thể thấy rằng, nội dung chính của 3 sự kiện hợp tác du lịch ở miền Trung, miền Nam và ĐBSCL vào những ngày đầu tiên của tháng 7 là giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của vùng, miền, địa phương (ĐBSCL là du lịch miệt vườn, sông nước, miền Trung là danh thắng thiên nhiên, di sản - di tích lịch sử, văn hóa); qua đó bắt tay hợp tác, liên kết dựa trên các lợi thế nổi trội của từng địa phương nhằm kích cầu, khai thác hiệu quả nhất thị trường du lịch nội địa, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành phức tạp ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Các sự kiện hợp tác, còn chuyển tải đến khách du lịch nội địa gói kích cầu như giảm giá tour, tuyến, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch, hàng hóa lưu niệm từ 20 đến 60%.
Đại dịch Covid-19 làm tê liệt ngưng trệ các hoạt động kinh tế, xã hội của thế giới, đặc biệt hoạt động du lịch. Thông tin từ lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết: 5 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt (giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019); khách nội địa đạt 16 triệu lượt (giảm 58,5% so với cùng kỳ của năm 2019); tổng thu từ du lịch đạt 150.300 tỷ đồng (giảm 47,4% so với cùng kỳ 2019). Quý I và II năm nay, khoảng 95% công ty lữ hành quốc tế trong nước phải ngừng hoạt động.
Từ giữa tháng 5, khi Việt Nam được thế giới ghi nhận là quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thành công với liên tục hơn 30 ngày không xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, hầu hết các ca dương tính Covid-19 được điều trị thành công, không có người tử vong do dịch bệnh; thị trường du lịch nội địa Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại nhưng vẫn ở mức độ cầm chừng. Theo thông tin từ đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tháng 5/2020, hoạt động lữ hành nội địa phục hồi trở lại nhưng công suất lưu trú (buồng, phòng) tại các tỉnh, TP vào những ngày cuối tuần chỉ vào khoảng 10-15%; các vùng miền chỉ đạt bình quân 50%.
Tại một buổi tọa đàm trực tuyến được tổ chức vào trung tuần tháng 6, đại diện ngành du lịch Việt Nam đưa ra dự báo, đến cuối năm 2020, số lượng doanh nghiệp lữ hành, du lịch, phải đóng cửa do đại dịch Covid-19 có thể còn tăng.
Dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi Việt Nam dù khống chế, ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19 từ bên trong thì vẫn phải triệt để thưc hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài.
Ở thời điểm này, phần lớn cơ sở lưu trú - kể cả các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao của miền Trung, miền Nam và ĐBSCL còn hoạt động cầm chừng. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp duyên hải miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa) phải cắt giảm tối đa lao động trực tiếp và gián tiếp. Những lao động may mắn được tiếp tục làm việc thì cũng chỉ có thể hưởng thù lao thu nhập bằng 1/3 so với trước đây.
Theo thông tin từ một lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; 5 tháng đầu năm nay cả nước có trên 5 triệu lao động mất việc, giảm giờ làm do đại dịch Covid-19.
Chưa có thống kê chính thức về lao động mất viêc, giảm giờ làm trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên đến thời điểm này đang có nhiều lao động tại các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, lưu trú chưa thể tiếp cận với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4 của Chính phủ.
Thời điểm vàng không chỉ là cơ hội để ngành du lịch cải thiện chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ, bắt tay, liên kết cùng phát triển và cũng là cơ hội để du khách nội địa nhìn nhận lại chính mình, ứng xử văn minh hơn hơn tại mỗi địa chỉ danh thắng, di tích mà họ đặt chân đến.
Xin được dẫn ra đây lời tâm huyết của ông Nguyễn Công Hoan (Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam) ở giai đoạn được nhìn nhận là thời điểm vàng này: Khai thác du lịch không thể chỉ trông chờ vào tình yêu, sự đồng cảm của du khách mà các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú cần xác định du lịch Việt chinh phục, thu hút khách Việt bằng những sản phẩm hấp dẫn…