Xã hội

Thời tiết “đỏng đảnh”, người nuôi tôm lao đao

Nguyễn Quý 29/06/2024 12:40

Nắng nóng rồi lại đến mưa lớn kéo dài, nhiều ao đầm nuôi tôm ở Quảng Ninh “dính” dịch bệnh, tôm chết hàng loạt. Khoảng 7.500ha diện tích nuôi tôm có nguy cơ thiệt hại rất lớn.

anh2(1).jpg
Một ao nuôi ở xã Tân Lập, huyện Đầm Hà xuất hiện tôm bị bệnh EHP, gây chậm lớn.

Nguy cơ trắng tay

Những ngày cuối tháng 6, khu vực nuôi tôm rộng lớn của Công ty CP Nhật Long (phường Hà Phong, TP Hạ Long, Quảng Ninh) im lìm hiếm có, khác hẳn với không khí sản xuất hối hả thường ngày của một đơn vị nuôi tôm lớn nhất, nhì ở tỉnh Quảng Ninh.

Những guồng máy tạo ôxy trên các ao nuôi không còn hoạt động, hầu hết các ao nuôi đã tháo cạn nước dù đang trong vụ nuôi chính, chuẩn bị đến thời gian thu hoạch. Đại diện Công ty CP Nhật Long cho biết: Toàn bộ số tôm trong hơn 50 ao nuôi, trên diện gần 20ha của công ty đã mắc bệnh và chết từ khoảng 1 tháng trở lại đây, thiệt hại lên tới hơn 20 tỷ đồng. Nếu tính đến thời điểm tôm nuôi thành công, thì thiệt hại do tôm bị chết lên đến 60-70 tỷ đồng.

Theo người đại diện Công ty Nhật Long, từ khoảng 3 tháng trước tôm đã có biểu hiện chậm lớn khi đến giai đoạn phát triển, kích thước không thay đổi. Đến giai đoạn sau tôm thường có biểu hiện mềm vỏ, bơi lờ đờ, ruột trống rỗng thức ăn, đục cơ và chết.

Tình trạng mất trắng ở vụ nuôi đầu tiên trong năm diễn ra tại nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Ninh. Từ những doanh nghiệp lớn, đến những hộ nuôi nhỏ lẻ như hộ nuôi tôm của anh Đỗ Văn Đon ( xã Sông Khoai 2, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) cũng rơi vào thảm cảnh tôm chết.

“Từ đợt mưa lớn hồi đầu tháng 5, tại 4 ao nuôi tôm của gia đình đã bắt đầu xuất hiện tôm chết. Sang tháng 6 thì thời tiết mưa, nắng thất thường, dù đã dùng mọi biện pháp nhưng cũng không cứu vãn được 2 ao nuôi. Toàn bộ tôm tại 2 ao này chết hết, còn 2 ao tỉ lệ tôm sống cũng chỉ còn 40%, hi vọng mong manh vô cùng” - anh Đon nói.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5, xuất hiện ổ dịch bệnh trên tôm nuôi tại Quảng Yên, Móng Cái và Hạ Long. Các ổ dịch phát sinh vào thời điểm thời tiết thay đổi bất chợt, sau mỗi đợt nắng nóng và mưa rào, xảy ra ở giai đoạn tôm từ 10-50 ngày tuổi.

Điều tra thu 31 mẫu tôm để thực hiện điều tra ổ dịch, kết quả: 15/31 mẫu (chiếm 48,39%) bị vi bào tử trùng (EHP), 5/31 mẫu (chiếm 16,13%) bị đốm trắng, 4/31 mẫu (chiếm 12,9%) bị hoại tử gan tụy.

Đặc biệt, theo kết quả xét nghiệm bệnh trong tháng 5 xuất hiện nhiều trường hợp 1 mẫu dương tính với đồng thời 2-3 bệnh nguy hiểm cùng lúc.

anh1(1).jpg
Tôm chết xuất hiện nhiều ở những vùng nuôi tôm trọng điểm của Quảng Ninh.

Cần xử lý triệt để

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, diện tích bị dịch bệnh lũy kế đến thời điểm báo cáo (hết tháng 5/2024) là 22,335ha nuôi tôm. Trong đó 10,05ha bị nhiễm EHP; 4,785ha bị đốm trắng; 4,5ha bị hoại tử gan tụy tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh và 3ha nuôi tôm quảng canh bị nhiễm bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô tại Móng Cái. Số liệu từ tháng 6 đến nay đang chờ thu mẫu xét nghiệm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Vương Văn Oanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay xuất hiện nhiều dịch bệnh trên tôm nuôi. Tuy nhiên, theo ông Oanh, báo cáo của Chi cục về diện tích nhiễm bệnh dựa trên cơ sở kết quả giám sát và diện tích các ổ dịch được địa phương báo cáo, còn những diện tích các hộ không báo cáo cũng không có cơ sở để tổng hợp.

Khảo sát tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh như Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái, Quảng Yên, cũng xảy ra hiện tượng tôm chết, chủ yếu bị nhiễm bệnh EHP. Nhiều cơ sở nuôi phải tháo đầm, bỏ dở quy trình nuôi, thiệt hại lớn về kinh tế.

Ông Trần Anh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Trên địa bạn huyện đã xuất hiện một số điểm tôm nuôi bị dịch bệnh, chết. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm bệnh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trên tôm nuôi tại huyện Đầm Hà, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Đầm Hà tham mưu cấp hóa chất chlorine cho các xã Đầm Hà, Tân Bình và Tân Lập để xử lý dịch bệnh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là thời điểm giao mùa. Chi cục cũng khuyến cáo, đối với nuôi biển, bà con cần giữ môi trường nuôi sạch sẽ, mua con giống phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch; lưu ý về mật độ nuôi để đảm bảo sức tải môi trường.

Đối với bệnh EHP, ông Vương Văn Oanh nhận định, nếu không xử lý triệt để thì khi nuôi lại tiếp tục dính bệnh. Việc trị bệnh trong những vùng nuôi hở rất khó khăn, gần như không hiệu quả. Với những ao, đầm có dịch bệnh cần phải chốt chặn nước, xử lý nước bằng chlorine 30ppm đủ thời gian quy định rồi mới được xả nước ra môi trường. Người nuôi tuyệt đối không được vứt xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường, không xả thải nước từ ao nuôi bị bệnh sang các vùng nước khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời tiết “đỏng đảnh”, người nuôi tôm lao đao