Nông sản Việt đã có những bước tiến lớn trong hành trình chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới. Với việc vải mở cửa thị trường Nhật Bản, chanh leo mở cửa New Zealand, nhãn, xoài, thanh long... bước vào thị trường châu Âu, thị trường Mỹ... cơ bản, ngành hàng nông sản đã và đang ghi được những dấu ấn trên thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, năm 2022, ngành hàng rau quả đã đạt được kim ngạch xuất khẩu ngoạn mục, khép lại bức tranh xuất khẩu của toàn ngành hàng nông sản một gam màu sáng, hứa hẹn những thành công tiếp theo cho xuất khẩu ngành hàng này trong cả năm 2023.
Tuy nhiên, trên thực tế mối lo về câu chuyện “được mùa mất giá” vẫn chưa khi nào nguôi. Bởi người nông dân vẫn làm nông nghiệp theo cách làm truyền thống, hầu hết bà con vẫn trồng, nuôi cái mình có, chứ chưa chú trọng trồng, nuôi cái thị trường cần. Chính bởi vậy, hàng năm vẫn xảy ra cảnh ùn ứ nông sản nơi cửa khẩu biên giới. Vấn đề ùn tắc ở cửa khẩu đã được giới chuyên gia không ít lần mổ xẻ, lý do của việc ùn ứ đơn giản là bởi cung vượt quá cầu. Khi điều chỉnh được cung và cầu ngang bằng nhau thì sẽ không còn cảnh ùn ứ.
Bài toán có lời giải là như vậy, thế nhưng nhà sản xuất, ở đây chủ yếu là bà con nông dân vẫn chưa có những tư duy mới để thay đổi cách làm, vẫn sản xuất ra hàng loạt nào dưa hấu, hành tím, rồi củ cải, cà rốt... Những sản phẩm đáng lẽ ra nếu sản xuất một cách khoa học, nắm bắt tâm lý thị trường, có đầu tư vào khâu chế biến, nâng cao chất lượng... chắc chắn người nông dân sẽ có lời lớn, chứ không phải lo cảnh chờ giải cứu như hàng năm vẫn diễn ra.
Vấn đề chất lượng, chế biến và thị trường cũng tiếp tục được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2025 diễn ra mới đây. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu đẩy mạnh khâu thị trường, chủ động để không lặp lại việc “được mùa mất giá”. Ông Nam nhấn mạnh đến việc ngành nông nghiệp cần phải rất quan tâm đến 3 vấn đề chính đó là: Chất lượng, chế biến và thị trường và lưu ý ngành nông nghiệp cần theo dõi các thị trường, “bởi không khéo năm nay chúng ta được mùa mất giá nữa, sản xuất nhiều mà bán không được”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cần “thúc đẩy thị trường, truyền thông, quảng bá sản phẩm của mình để tạo ra hiệu ứng thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ”.
Giới chuyên gia cũng nhiều lần nhận định, quan trọng nhất vẫn là thông tin thị trường, nếu hàng hóa chất lượng tốt, nhưng nếu thông tin thị trường không rõ ràng, người nông dân không nắm được nhu cầu thị trường, cứ sản xuất, nuôi trồng một cách ồ ạt, thì chắc chắn ngành nông sản vẫn chưa thể thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá”.