Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư 30 sửa đổi, quy định cách đánh giá học sinh Tiểu học. Theo nhiều giáo viên Tiểu học, thay đổi đã phần nào giảm áp lực về sổ sách cho giáo viên. Tuy nhiên, có những nội dung cần nêu rõ để giáo viên định hướng được việc đánh giá, nhận xét học sinh.
Ảnh minh họa.
Những đổi mới
Bà Hoàng Thị Thu Hà- Hiệu trưởng Trường tiểu học Tả Thanh Oai, HN chia sẻ: Dự thảo về TT 30 sửa đổi của Bộ GD&ĐT đã có những đổi mới, như chấm điểm giữa kỳ và cuối kỳ, đánh giá học sinh theo các mức A, B, C.
Tôi đã xem qua phần điều chỉnh và thấy rằng điều chỉnh này là hợp lý. Học sinh được đánh giá hoàn thành ở các mức độ khác nhau.
Việc đánh giá bằng điểm số cuối kỳ và giữa kỳ, và hàng ngày nhận xét các em ở mức độ nào, tôi thấy là hợp lý, để các em biết mình đang ở vị trí như thế nào.
Là giáo viên đứng lớp trực tiếp, cô Đào Hồng Huyền- giáo viên trường Tiểu học Tả Thanh Oai cho biết: Với TT 30 chưa sửa đổi, thực ra chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đánh giá. Đặc biệt là với sổ sách, chúng tôi phải viết rất nhiều, viết sổ theo dõi chất lượng hàng tháng từng học sinh. Tôi biết không chỉ tôi mà giáo viên nào cũng thấy rất vất vả.
Trước đây theo kinh nghiệm của mỗi giáo viên, bao giờ nhận lớp chúng tôi cũng phân loại học sinh rất cụ thể, em nào yếu em nào chưa tốt chúng tôi đều biết hết.
Và tôi thấy rằng, việc đánh giá học sinh bằng lời trực tiếp rất tiện, còn đánh giá bằng cách viết sổ sách thì rất vất vả cho giáo viên, vì quá nhiều.
Vừa rồi đi tập huấn, thấy Bộ đưa ra hướng giảm thiểu, sửa đổi bổ sung thêm trong TT 30, chúng tôi cũng đỡ phần nào áp lực. Vì trong lần sửa đổi này đã có những cải tiến, giảm nhẹ hơn.
Thẳng thắng nhận định về tính nhân văn của TT qua quá trình giảng dạy, cô Huyền cho rằng: TT 30 rất tốt, có tính nhân văn. Mỗi học sinh đều có ưu điểm và khả năng riêng.
Ví dụ trước đây mọi người chỉ chú ý đến những em học Toán, Tiếng việt tốt, thì bây giờ có thể chú ý đến các em vẽ đẹp, thể dục thể thao tốt…
Những em này cũng được các cô khen. Nghĩa là cũng mang tính nhân văn, chỉ có sổ sách hơi vất vả cho giáo viên thôi. Các em học sinh đa phần đều rất thích lời khen của các cô.
Qua những lời khen các em hăng say học tập hơn, và khi được khen thì cũng sẽ khoe ngay với bố mẹ. Đó có thể xem là động lực để các em học tốt hơn.
Phát huy tính nhân văn
Nhiều người cho rằng, TT 30 khiến cho lời khen của giáo viên trở nên dễ dàng quá, nhiều phụ huynh đôi khi không thích, nhất là về giấy khen.
Về điều này, cô Huyền nhận định: Tôi cũng thấy nhiều bậc phụ huynh chưa quen, bởi vì trước đây chúng ta hay khen học sinh xuất sắc với tiên tiến. Tôi thấy phụ huynh cái gì mới chưa quen thì cũng cảm thấy thắc mắc, tôi không hiểu con tôi được khen như thế là thế nào. Nhưng trong đó cũng có nhân văn ở chỗ là khen theo từng mặt, có thể cháu tốt ở mặt này thì khen. Tôi thấy như thế là rất tốt.
Nói về những sửa đổi trong TT, cô Huyền cho biết: Trước khi Bộ đưa dự thảo đã có rất nhiều giáo viên góp ý về vấn đề sổ sách với những giáo viên năng khiếu.
Những giáo viên này có khi dạy tới 800 – 900 em rất đông, nếu bắt các giáo viên viết từng em những lời nhận xét như thế thì rất vất vả nên có góp ý mong Bộ nghiên cứu giảm thiểu. Ví dụ, học bạ chỉ nên viết cuối năm thôi vì chúng tôi hàng tháng có viết lời nhận xét rồi.
Cô Huyền tin tưởng những sửa đổi của Bộ sẽ giúp cho giáo viên giảm tải được gánh nặng về sổ sách, và gần gũi với học sinh hơn. Đồng thời tạo điều kiện phát huy tốt hơn tính nhân văn của TT.
Bên cạnh đó, cô Huyền cũng góp ý thêm: Theo TT 30 chúng tôi tự ra đề và cho học sinh làm bài kiểm tra nên cũng mong Bộ GD&ĐT đồng ý, chúng tôi sẽ ra đề và đưa lên Ban giám hiệu, để Ban giám hiệu ra đề chung đánh giá học sinh. Vì nhiều khi giáo viên tự ra đề không được khách quan cho lắm.
Bên cạnh những đánh giá tích cực về TT 30, cũng có nhiều giáo viên cho rằng, Bộ GD&ĐT để đánh giá học sinh theo 3 mức A, B, C có khoảng cách hơi xa. Có nhiều nước họ cho 5 mức A, B, C, D, E và định mức rõ ràng ở từng mức điểm. Bản đánh giá định kỳ, giáo viên phải gửi về cho phụ huynh.
“Tôi đánh giá văn bản Dự thảo lần này có giảm nhẹ cho giáo viên, còn đánh giá trên thực tế phải chờ đến khi thực hiện trong thực mới có thế biết được. TT 30 trước, ai cũng kêu mất nhiều thời gian cho sổ theo dõi chất lượng, tuy nhiên trong Dự thảo lần này Bộ đã bỏ sổ theo dõi chất lượng học sinh. Cách ghi vào sổ học bạ cũng chỉ còn một lần ghi đã giảm lao động của giáo viên. Tuy nhiên, trong Dự thảo chưa có hướng dẫn cụ thể cho giáo viên về việc xếp loại học sinh thuộc nhóm A, B, C. Trong quá trình giảng dạy giáo viên có thể nhớ học sinh giỏi và yếu kém để xếp loại nhưng dải học sinh trung bình chiếm số đông thì giáo viên khó có thể theo dõi. Do đó, Bộ GD&ĐT cần phải có hướng dẫn cụ thể về việc này”- một giáo viên góp ý.
Ngoài ra, cũng có giáo viên thắc mắc rằng: Dự thảo nêu, trong quá trình theo dõi học sinh giáo viên nên có sổ tay, tuy nhiên cũng chưa đề cập rõ chức năng của sổ tay và giáo viên bắt buộc phải có sổ tay hay không.
Nếu Bộ GĐ&ĐT bắt buộc giáo viên có sổ tay và ghi chép để hiệu trưởng nhà trường kiểm tra thì không khác sổ theo dõi học sinh quy định ở TT 30 trước.
Nếu không bắt buộc phải có sổ tay thì giáo viên lại có nhiều cách viết khác nhau vào sổ tay của mình để theo dõi học sinh. Ví dụ như giáo viên tự cho điểm để đánh dấu lực học của học sinh, cách khác giáo viên ghi chép nhận xét để đánh giá năng lực học sinh…