Báo cáo của Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017 của Chính phủ cho thấy, từ năm 2018 đến nay, cơ quan hành chính ở TPHCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được tuyển dụng để đào tạo nguồn cán bộ. Không phải chỉ riêng TPHCM, việc này còn xảy ra tại nhiều địa phương khác.
Đây thực sự là điều gây bất ngờ với nhiều người, bởi lẽ TPHCM là địa phương có nhiều cơ chế đặc thù, có cả chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút người tài. Bên cạnh đó, kết quả cuộc khảo sát với gần 20.000 sinh viên Đại học quốc gia TPHCM cũng cho thấy chỉ có hơn 10% sinh viên giỏi muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước”. Như vậy rõ ràng khu vực nhà nước chưa phải là mảnh đất màu mỡ để thu hút, nói rộng ra là người tài.
Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực nhà nước?
Về nguyên nhân, theo Sở Nội vụ TPHCM, các đối tượng thu hút, tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017 của Chính phủ là những trường hợp có trình độ, kết quả học tập xuất sắc và số lượng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được thu hút là rất ít. Vì vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn được các trường hợp này đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, đồng thời tỷ lệ được thu hút không cao. Không chỉ vậy, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thường là những cá nhân có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc. Do đó, có rất nhiều cơ hội nhận được học bổng ở trong và ngoài nước. Họ thường ưu tiên cho việc học tập, chưa quan tâm nhiều đến thông tin tuyển dụng và làm việc cho cơ quan thành phố.
Không chỉ TPHCM gặp khó trong thu hút người tài, sinh viên giỏi mà nhiều địa phương khác cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, trong 2,5 năm qua có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Trong đó ngành giáo dục có 16.247 người, y tế có 12.198 người. Điều đáng nói, số cán bộ nghỉ việc chủ yếu ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt các nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. Như vậy những “mảnh đất màu mỡ” lại đang trở thành nơi ra đi chuyển sang làm việc ở khu vực ngoài nhà nước.
Thực tế đó cũng diễn ra ở Đà Nẵng, thành phố vốn được xem là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng chiến lược giữ chân và thu hút nhân tài. Đề án thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều năm nay song cũng có đến 35% học viên xin rút. Thu nhập, môi trường làm việc là một trong những nguyên nhân khiến một số học viên bỏ việc dù đã được cho đi đào tạo.
Bình luận về việc khó thu hút được người tài vào khu vực nhà nước, cũng như đang có sự chuyển dịch từ khu vực công sang tư, TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng lý do dễ thấy nhất đó là lương. Bởi lương tối thiểu khu vực tư nhân cao hơn lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức. Khu vực tư trả lương theo năng lực, không có giới hạn khung bậc nào cả nên có khả năng thu hút người có năng lực một cách mạnh mẽ, trong khi khu vực nhà nước không có cách gì để trả mức lương như vậy.
Một yếu tố khác, theo ông Dũng, là môi trường làm việc khi khu vực công bị điều chỉnh chặt chẽ hơn khu vực tư rất nhiều nên không gian cho sự sáng tạo, đột phá là hẹp. Đây cũng lại là một nguyên nhân tại sao chuyển ra ngoài vẫn là những người có tài, những người muốn đổi mới, tạo sự đột phá. Chưa kể, ở lĩnh vực tư nhân việc bổ nhiệm đề bạt khá linh hoạt.
Giữ người tài, hút người giỏi
Phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong những nội dung quan trọng được Đảng ta đặt ra từ lâu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hình thành được cơ chế, chính sách cụ thể đủ sức hấp dẫn. Làm sao để giữ chân người tài, cũng như thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước là bài toán lớn đang được đặt ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tập trung để nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Bên cạnh đó phải xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức. Từ đó thay đổi toàn diện việc quản lý, sử dụng, đặc biệt là tuyển dụng công chức, viên chức. “Ngoài sửa đổi thể chế cũng cần xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc” - bà Trà cho hay.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng cho rằng, trong trọng dụng nhân tài, trước tiên cần tìm mọi cách để giữ chân người tài, bởi hiện nay đang có sự liên thông giữa khu vực công và khu vực tư rất lớn. Kinh tế thị trường phát triển, các thành phần kinh tế phát triển thì có sự cạnh tranh ngày càng lớn và có sự chuyển dịch một bộ phận từ công sang tư.
Bên cạnh đó, về thu hút nhân tài, theo ông Phúc, trong khu vực nhà nước nếu không thay đổi sẽ khó có thể thu hút được nhân tài, từ lương cho đến môi trường làm việc. “Các nhà làm chính sách phải suy nghĩ, rà soát xem cái gì thuộc chính sách pháp luật, hệ thống quản trị thì cần rà soát để điều chỉnh từ thể chế quản lý công chức, chế độ công vụ, lương và môi trường làm việc” - ông Phúc nói.
Còn theo bà Bùi Thị An, ĐBQH khoá XIII, chúng ta có đưa ra nhiều cơ chế nhưng không thu hút được người tài đó là do cơ chế chưa thích hợp, chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi với người tài thì lương chỉ là một yếu tố, còn quan trọng là môi trường làm việc. Trong đó họ phải thấy mình được tôn trọng và được phát triển năng động sáng tạo. Các ý tưởng sáng tạo phải được nuôi dưỡng lên để “thành cây, ra quả” chứ không phải tắt lịm từ trong ý tưởng.
“Để thu hút trọng dụng được người tài thì trước hết người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải là người tài thì mới kêu gọi và sử dụng được người tài. Họ có thể không quá xuất sắc về chuyên môn nhưng lại có tài trong cách dùng người, biết dùng người đúng vị trí, biết tận dụng và khai thác chất xám của người giỏi thì đó mới là người lãnh đạo quản lý tài tình. Chứ nếu người đứng đầu mà sợ sử dụng người giỏi hơn mình, thích dùng người dễ sai, dễ bảo thì xã hội khó có thể phát triển. Bởi người tài mới có thể thu hút và trọng dụng được người tài” - bà An nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cùng với đội ngũ trí thức, chuyên gia trong nước thì rất cần có chính sách thu hút các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học là kiều bào khi hiện chúng ta có khoảng gần 600.000 trí thức người Việt có trình độ trên đại học, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Đây được xem là nguồn chất xám dồi dào đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ, kiều bào Nga, hiện là Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho rằng, thực tế thu hút trí thức kiều bào đóng góp cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ thời gian qua cho thấy một số khó khăn cần phải sớm khắc phục như: Thiếu cơ chế chính sách cụ thể để trí thức kiều bào có thể tham gia triển khai các dự án khoa học công nghệ. Việt Nam có chiến lược đúng đắn ở tầm vĩ mô về thu hút, sử dụng trí thức kiều bào nhưng thiếu các nghị định, quy chế cụ thể cho thu hút hiệu quả trí thức kiều bào về làm việc trong từng ngành, từng dự án khoa học công nghệ, từng đơn vị, phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu, triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Từ đó, ông Sỹ kiến nghị, trước mắt cần xây dựng hệ thống văn bản, nghị định, quy chế, hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hiệu quả và sự tham gia rộng rãi của lực lượng trí thức kiều bào; phối hợp với đội ngũ tri thức trong nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương.
Ông Sỹ cũng phân tích, Singapore đi lên từ xuất phát điểm thấp nhưng hiện đã có năng lực khoa học công nghệ vượt trội; hay Thái Lan chưa phải cường quốc về khoa học công nghệ nhưng trong nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp thì có những bước phát triển nhất định. Chúng ta nằm ở một khu vực phát triển nhộn nhịp, có lực lượng mặt bằng, trình độ không thua kém rất nhiều nước khác, do đó khi được “cởi bỏ” một số khó khăn sẽ có hiệu ứng domino để phát triển mạnh mẽ.
Cơ chế chưa phù hợp thực tiễn
Theo bà Bùi Thị An, ĐBQH khoá XIII, chúng ta có đưa ra nhiều cơ chế nhưng không thu hút được người tài là do cơ chế chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi với người tài thì lương chỉ là một yếu tố, còn quan trọng là môi trường làm việc. Trong đó họ phải thấy mình được tôn trọng và được phát triển năng động sáng tạo. Các ý tưởng sáng tạo phải được nuôi dưỡng lên để “thành cây, ra quả”. Bà An cũng cho rằng để thu hút trọng dụng được người tài, thì người đứng đầu các cơ quan đơn vị có thể không quá xuất sắc về chuyên môn nhưng lại có tài trong cách dùng người, biết dùng người đúng vị trí, biết tận dụng và khai thác chất xám của người giỏi thì đó mới là người lãnh đạo quản lý tài tình. Người đứng đầu mà sợ sử dụng người giỏi hơn mình thì xã hội sẽ khó phát triển.