Xã hội

Thu hút lao động nước ngoài: Gỡ vướng rào cản chính sách

Lê Bảo 22/03/2024 07:03

Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục về tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài. Không ít doanh nghiệp phản ánh, quy trình về tuyển dụng người lao động nước ngoài hiện còn mang tính hình thức, rườm rà, phức tạp gây khó khăn và lãng phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan thực thi.

coverchuan.jpg
Chuyên gia người Thái Lan làm việc tại Nhà máy lọc dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Nguyễn Nam.

Cùng với lực lượng lao động là người Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã góp phần đáp ứng nguồn nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, đóng góp đáng kể về hiệu quả, năng suất lao động và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính đến hết năm 2023, tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khoảng gần 136.800 người. Trong đó có hơn 10.000 lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động (GPLĐ), gần 126.000 lao động thuộc diện cấp GPLĐ.

Còn theo báo cáo của các địa phương, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ trên 72%, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, sản xuất trong các ngành điện tử, dịch vụ, giáo dục và đào tạo...

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở LĐTBXH trong năm 2023, đã chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài cho 11.195 lượt tổ chức, DN, với 14.024 vị trí công việc dự kiến tuyển dụng. Trong đó có gần 4.200 vị trí công việc nhà quản lý; 190 vị trí giám đốc điều hành; trên 8.000 vị trí chuyên gia; 1.561 vị trí lao động kỹ thuật. Cùng với đó, Sở cũng cấp mới 8.747 GPLĐ cho lao động nước ngoài; cấp lại 1.234 GPLĐ và gia hạn 2.749 GPLĐ. Bên cạnh đó, có 510 trường hợp xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ.

Đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội nhận định, đội ngũ chuyên gia, người lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao vào làm việc tại Hà Nội đã đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn.

Tương tự, ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, toàn thành phố có gần 30.000 lao động được cấp GPLĐ làm việc tại các cơ quan, tổ chức, DN. Trong thời gian qua, các quy định pháp luật liên quan đến người lao động nước ngoài có nhiều thay đổi, hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam để làm việc. Cụ thể như việc nới lỏng chính sách thị thực tạo điều kiện thu hút người nước ngoài đến với Việt Nam; không giới hạn tỉ lệ lao động nước ngoài so với lao động Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức, DN; không yêu cầu người lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn giống với nội dung công việc sẽ làm việc tại Việt Nam; được sử dụng GPLĐ đã được cấp trước đó thay thế cho văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc trong cùng vị trí...

Thực tế nhằm tạo điều kiện cho các DN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2023 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định 70). Theo đánh giá của các địa phương và các DN, Nghị định 70 đã có nhiều điểm mới tạo điều kiện cho DN trong việc thuê và sử lao động người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, đã nới lỏng yêu cầu đối với chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam làm việc; rút ngắn thời hạn báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; thay đổi thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài; thay đổi về trường hợp phải báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

anhbaichinh.jpg
Lao động nước ngoài thuộc nhóm chuyên gia, giám đốc điều hành đến làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh: M.Hoa.

Điều chỉnh để thu hút chuyên gia nước ngoài

Mặc dù về mặt thủ tục đã thông thoáng hơn, song tại buổi đối thoại giữa ngành LĐTBXH với các DN có sử dụng lao động nước ngoài, nhiều DN cho biết, quy trình về tuyển dụng người lao động nước ngoài hiện vẫn còn mang tính hình thức, rườm rà, phức tạp gây khó khăn và lãng phí cho cả DN và cơ quan thực thi. Chẳng hạn như việc buộc DN phải đăng thông tin tuyển dụng trên website cơ quan quản lý lao động trước khi nộp đăng ký nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, kể cả trường hợp di chuyển nội bộ. Hay khi gia hạn GPLĐ mà thay đổi số hộ chiếu, người lao động phải làm thủ tục cấp lại GPLĐ thay vì nên kết hợp việc gia hạn với điều chỉnh số hộ chiếu.

Là DN sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Trung Quốc nên thường xuyên có nhu cầu tuyển chuyên gia là người nước ngoài, song ông Nguyễn Đức An - Giám đốc Công ty TNHH Đức An (Hà Nội) cho biết, để làm thủ tục hồ sơ tuyển và sử dụng lao động là người nước ngoài không dễ, nhất là với DN có quy mô nhỏ như công ty. Vì vậy, để có được chuyên gia là người nước ngoài buộc công ty phải đứng ra thuê lại nguồn lao động từ những DN, công ty khác.

“Ngoài chi phí phải trả tăng hơn so với mình chủ động thuê, kí kết thì việc không được chủ động, trực tiếp tuyển lao động, chuyên gia cũng khiến DN gặp khó khăn trong việc quản lý và trao đổi công việc. Thông thường phải mất từ 2 tuần đến 1 tháng để 2 bên hiểu nhau. Chưa kể việc thuê lại lao động không phải lúc nào cũng gặp đúng nguồn lao động mình cần thuê” - ông An cho biết.

Trong khi đó, đại diện Chi nhánh Anderson Mori và Tomotsune tại TPHCM có băn khoăn trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền cấp GPLĐ cho người lao động nước ngoài tại DN. Bởi Anderson Mori và Tomotsune là chi nhánh công ty luật nước ngoài, giấy phép thành lập do Bộ Tư pháp cấp nhưng giấy phép hoạt động lại do Sở Tư pháp cấp...

Trong khi đó, đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn cũng còn một số khó khăn. Đơn cử, đối với thủ tục xác nhận người lao động không thuộc diện cấp GPLĐ cũng có các trường hợp thay đổi họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu... như thủ tục cấp GPLĐ. Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 70 đối với người lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật đã được cấp GPLĐ và đã được gia hạn một lần, mà có nhu cầu tiếp tục làm việc với cùng vị trí công việc và chức danh công việc ghi trong GPLĐ, thì chỉ cần cung cấp bản sao GPLĐ đã được cấp, nhưng không nói rõ GPLĐ đó phải còn hiệu lực. Nếu trường hợp DN nộp GPLĐ đã hết hiệu lực thì có được hay không? Và nếu GPLĐ đã hết hiệu lực thì có cần cung cấp lý lịch tư pháp để kiểm tra người lao động nước ngoài có án tích hay không…

Đánh giá về vấn đề này, lãnh đạo Sở LĐTBXH TPHCM cho rằng, mặc dù đã có nhiều thay đổi đáng kể tạo thuận lợi cho cộng đồng DN hoạt động và phát triển, với những thay đổi không ngừng của nền kinh tế, khoa học công nghệ và các văn bản thực thi pháp luật sẽ làm phát sinh một số vấn đề bất cập ảnh hưởng.

Điển hình như việc các quy định chứng minh vị trí công việc là nhà quản lý, giám đốc điều hành thay đổi theo hướng cung cấp nhiều loại giấy tờ so với trước đây; quy định bắt buộc thông báo tuyển dụng lao động Việt Nam làm việc ở một số chức danh công việc là người đại diện theo pháp luật, thành viên góp vốn; quy định về chủ thể thực hiện khác với quy định của cơ quan xuất nhập cảnh khi đề nghị cấp thẻ tạm trú...

Tại hội nghị phổ biến về Nghị định 70 mới đây, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) Vũ Trọng Bình cho rằng, tại Nghị định 70, mọi thủ tục hành chính hình thức nhất được loại bỏ tối đa. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN nhưng không vi phạm quản lý nhà nước. Các thủ tục hành chính còn lại được đơn giản hóa, lần đầu tiên Nghị định đã đưa vào quy trình cấp phép lao động nước ngoài làm việc trên nhiều địa bàn. Như vậy, chỉ cần cấp một giấy phép, nêu rõ địa điểm thì lao động người nước ngoài có thể làm việc bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam.

“Nghị định 70 có nhiều điểm mới, thay đổi so với trước, do vậy thời gian đầu sẽ có những lúng túng. Do đó, Bộ LĐTBXH sẽ tập trung trong việc tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo việc thực hiện cấp giấy phép phải “thông thoáng” và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần triển khai thực hiện tốt chính sách tuyển, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để hỗ trợ DN có đủ lao động trình độ cao ở vị trí quan trọng” - ông Bình khẳng định.

Liên quan đến thắc mắc của một số DN về vấn đề một người lao động nước ngoài có được phép làm việc, giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động tại Việt Nam cùng lúc hay không, Bộ LĐTBXH cho hay, theo quy định tại điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, người lao động nước ngoài đã được cấp GPLĐ, đang còn hiệu lực mà có nhu cầu làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí, cùng chức danh công việc (ghi trong GPLĐ) thì hồ sơ đề nghị cấp GPLĐ mới gồm giấy xác nhận của người sử dụng lao động trước đó về việc người lao động đang làm việc, các giấy tờ quy định tại khoản 1, 5, 6, 7, 8 của điều này và bản sao có chứng thực GPLĐ đã được cấp. Như vậy, người lao động nước ngoài có thể làm việc cho nhiều người sử dụng lao động tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút lao động nước ngoài: Gỡ vướng rào cản chính sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO