Tác động xấu của dịch Covid-19 khiến thu nhập của người lao động giảm mạnh. Bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 3/2021 và 9 tháng năm 2021, thị trường lao động Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 và thời gian giãn cách kéo dài. Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng về thu nhập nặng nhất với mức thu nhập bình quân đạt 6,2 triệu đồng/tháng, giảm 13,5% so với quý trước. Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân đạt 5,8 triệu đồng/tháng, giảm 13,2% so với quý trước.
Thu nhập bình quân của lao động quý 3/2021 đạt 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 847.000 đồng so với quý trước và giảm 573.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, người lao động tại tâm dịch TP HCM còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu, giảm 2,6 triệu đồng (31%) so với quý trước và giảm 2,5 triệu đồng (30,3%) so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động TP HCM chỉ là 5,8 triệu đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Chịu thiệt hại nhiều thứ hai chỉ sau vùng Đông Nam Bộ là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập bình quân của lao động ở vùng này là 4,5 triệu đồng, giảm 873 nghìn đồng (16,1%) so với quý trước và giảm 623 nghìn đồng (12,1%) so với cùng kỳ năm trước. Tuy không phải là vùng ảnh hưởng dịch nhưng những lao động ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng giảm đáng kể so với quý trước, thu nhập bình quân tháng của lao động vùng này là 4,4 triệu đồng. Còn tại Hà Nội mức thu nhập bình quân là 7 triệu đồng/người, giảm khoảng 1 triệu/người, (12,5%) so với quý trước và giảm 342 nghìn đồng (4,6%) so với cùng kỳ năm trước.
Từ thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để đảm bảo việc làm cũng như thu nhập cho người lao động Chính phủ cần có những biện pháp kịp thời như tiếp tục tiêm phủ vaccine toàn dân; hỗ trợ tốt người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất để tạo tâm lý yên tâm làm việc. Điều này nhằm giữ chân người lao động, tránh xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động tại những địa phương đang có dịch bệnh phức tạp.
Để giữ cân đối thị trường lao động trong 3 tháng cuối năm, TS Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, các trung tâm dịch vụ việc làm phải là chỗ dựa vững chắc cho các đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là những lao động yếu thế. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm phải tổ chức thu thập, cập nhật thông tin, vị trí việc làm còn trống và chia sẻ trên toàn quốc để kết nối thông tin cung cầu lao động trên thị trường.
Khi đã giải quyết được vấn đề lao động đồng nghĩa với thu nhập người lao động tăng và khi đó an sinh xã hội sẽ được giữ vững.
Duy nhất 3 lĩnh vực có mức thu nhập tăng
Nền kinh tế chịu tác động mạnh mẽ trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tuy nhiên tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân của lao động làm công, hưởng lương trong một số ngành kinh tế vẫn có sự tăng trưởng nhất định. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong ngành nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4,7%, tương ứng tăng 210 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020; ngành thông tin truyền thông có thu nhập bình quân tăng 2,4%, tương ứng tăng 237 nghìn đồng. Cuối cùng là thu nhập bình quân tháng của lao động trong ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 2,4%, tương ứng tăng 206 nghìn đồng.
Quý 3/2021 không chỉ ghi nhận số lao động thất nghiệp tăng mà còn ghi nhận sụt giảm trầm trọng về thu nhập của người lao động.