Xã hội

Thu nhập thấp, lao động rời phố về quê

Lê Bảo 15/01/2024 13:15

Lương tăng không đáng kể trong khi chi phí sinh hoạt tăng, rất nhiều người lao động (NLĐ) đã chọn giải pháp rời phố về quê. Trong số này, khi quyết định về quê nhiều người đã không tiếp tục làm công nhân và chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.

anh-bai-tren(2).jpg
Doanh nghiệp cần có thêm phúc lợi để giữ chân người lao động. Ảnh Lan Hương.

Rời phố về quê vì thu nhập thấp

Ở tuổi 40, chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) quyết định cùng chồng và con di dời về quê tại Phú Thọ. 20 năm gắn bó với thủ đô, quyết định về quê với vợ chồng chị không hề dễ dàng.

“Vợ chồng tôi cũng phải mất một tháng để đưa ra quyết định này, dù không muốn nhưng buộc phải về. Năm nay may mắn cả hai vợ chồng không bị thất nghiệp nhưng thu nhập giảm đi trông thấy vì không có việc làm thêm. Cộng thêm việc con học lên cấp 3 phải học trường tư vì theo quy định những người ngụ cư như vợ chồng tôi, con không đủ điều kiện học trường công. Tổng thu nhập hai vợ chồng dao động từ 17 đến 20 triệu đồng rất khó để có thể đảm bảo nuôi 2 đứa con ăn học và trụ được ở Hà Nội” - chị Hoa chia sẻ.

Về quê, chị Hoa cho biết, chị sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước mắt cũng như có chút vốn để buôn bán nhỏ kiếm sống. Chồng chị đã làm đơn xin làm công nhân tại Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Thu nhập ở đây cũng không cao nhưng công ty có xe đưa đón hàng ngày. Như vậy cũng đỡ khoản chi phí tiền thuê trọ và các chi phí sinh hoạt khác.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Linh, 45 tuổi (Nam Định) cũng chọn lựa giải pháp về quê vì áp lực thu không đủ chi. Kể về gia cảnh của mình, chị Linh cho biết, học xong trung học, do nhà nghèo chị không thi đại học mà xin đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Làm việc được 5 năm chị lập gia đình, cả hai vợ chồng đều làm công nhân, cuộc sống eo hẹp nên không đủ tiền mua nhà, đành đi thuê trọ.

Chị Linh tâm sự: “Trước đây làm cật lực, tăng ca, mỗi tháng 2 vợ chồng cũng nhận được 25 - 26 triệu đồng. Nhưng từ ngày có dịch Covid-19 đến nay thu nhập giảm liên tục. Gần như vợ chồng tôi chỉ nhận đủ tiền lương cơ bản. Tháng được 17 - 18 triệu đồng”.

Trước áp lực chi phí nhà trọ, tiêu dùng tăng cao trong khi tiền lương vẫn giữ nguyên thậm chí giảm, nhiều NLĐ đã chọn giải pháp giống như chị Hoa. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở khu công nghiệp, công nhân mà còn diễn ra với những nhân sự có kỹ thuật.

Cần linh hoạt các giải pháp để giữ chân lao động

Hiện nay, quá trình chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn khi lượng nhân sự không thích nghi với sự thay đổi công nghệ chóng mặt này. Vì vậy, các công ty vẫn đau đầu trong việc tìm kiếm và giữ chân các ứng viên phù hợp. Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghệ Gartner, có tới 74% nhân viên sẵn sàng thay đổi phương thức làm việc khi doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số vào năm 2016, nhưng con số này đã giảm xuống 38% vào năm 2022. Điều này cho thấy các nhân viên đã dần mất niềm tin vào định hướng chuyển đổi công nghệ của các công ty.

Báo cáo của nhiều đơn vị cho thấy bức tranh tiền lương, thưởng bình quân không khởi sắc, thậm chí có chiều hướng đi xuống. Tại Hà Nội, NLĐ đối mặt với tình trạng lương thấp, thưởng giảm, nên muốn "rút" về quê sinh sống, làm việc.

Báo cáo về tiền lương và tiền thưởng Tết năm 2023 của Liên đoàn Lao động Hà Nội cho thấy, tiền lương bình quân của NLĐ tại Hà Nội năm 2023 vẫn giữ được mức như năm 2022. Tuy nhiên, tiền thưởng Tết năm 2024 lại bị giảm đáng kể so với năm 2023. Mức giảm sâu nhất thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử... Về mức lương trung bình của NLĐ năm 2023, thống kê của Liên đoàn Lao động Hà Nội cho thấy, bằng với năm 2022 hoặc tăng không đáng kể tùy loại hình DN.

Chỉ các DN thuộc công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước tăng 0,72% so với năm 2022, tương ứng tăng từ 6,95 triệu đồng lên 7 triệu đồng. Tuy nhiên mức tiền lương cao nhất ở khu vực này giảm mạnh, từ 70 triệu đồng còn 29,8 triệu đồng. Riêng mức tiền lương thấp nhất giữ nguyên với 5,1 triệu đồng.

Các loại hình DN còn lại đều bằng năm 2022. Cụ thể, khối DN dân doanh, tiền lương bình quân đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cao nhất 125 triệu đồng/người/tháng (giảm so với mức 180 triệu đồng của năm 2022); mức lương thấp nhất 4,68 triệu đồng.

Khối DN FDI, tiền lương bình quân đạt 7,4 triệu đồng. Mức cao nhất và thấp nhất bằng năm 2022, lần lượt đạt 70 triệu đồng và 4,68 triệu đồng. Điều này cho thấy do khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí chi trả lương cho NLĐ. Do đó, thu nhập hiện nay vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, nguyên nhân vì giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ xã hội tăng cao.

Đại dịch đã thay đổi những kỳ vọng của cả nhà tuyển dụng và NLĐ, khiến họ chú trọng nhiều hơn sự hài hòa giữa công việc - cuộc sống. Giờ đây, NLĐ mong muốn nhận được cả những phúc lợi khác từ DN, như được nghỉ phép chăm con có hưởng lương, được đào tạo và phát triển kỹ năng hay được lựa chọn linh hoạt về nơi làm việc.

Để giữ được người lao động, đại diện Manpower Group Việt Nam cho hay, nhà tuyển dụng chỉ dựa vào lương thì vẫn chưa đủ để thỏa mãn được nhu cầu và mong muốn đa dạng của người lao động. Do vậy, doanh nghiệp cần phải thoát khỏi lối mòn và linh hoạt hơn trong bài toán thu hút và giữ chân người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu nhập thấp, lao động rời phố về quê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO