Thọ Điền là một xã miền núi thuộc huyện Vũ Quang, hiện có gần 200 hộ dân trồng mía với diện tích gần 30ha. Nghề nấu mật mía ở xã này cũng đã tồn tại hơn 50 năm nay. Ảnh: Cẩm Kỳ Tại Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ (xã Thọ Điền), không khí sản xuất đang rất khẩn trương. Những ngày đầu tháng Chạp, không khí nhộn nhịp bao trùm khắp làng quê. Những cột khói từ các lò nấu mật bay lên nghi ngút, hòa quyện với hương thơm ngọt và sắc xuân báo hiệu cho một năm mới đầm ấm, vui tươi cận kề. Ảnh: Cẩm Kỳ Mía là nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm. Mía sau khi thu hoạch về được người dân rửa sạch sẽ, cột thành từng bó. Ảnh: Cẩm Kỳ Nhiều năm về trước, người dân thường dùng sức trâu để ép mía, tuy nhiên khá mất vệ sinh nên nay đã chuyển sang làm bằng máy nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc ép mía bằng máy cũng nâng cao chất lượng của sản phẩm và tiết kiệm sức lực, thời gian. Ảnh: Cẩm Kỳ “Thời điểm giáp Tết, bình quân mỗi ngày chúng tôi ép được khoảng 5 tấn mía tươi, nấu được khoảng hơn 400 lít mật thương phẩm. Nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao nên sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng và thương lái đặt mua hết đến đó", bà Đoàn Thị Nhàn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết. Ảnh: Cẩm Kỳ Với kinh nghiệm làm mật lâu năm của người dân nơi đây, muốn mật ngon phải đứng “canh” chảo trong nhiều giờ, đảo liên tục và đều tay. Khi mật sôi thì vớt váng, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy, có màu đen và không được thơm ngon. Khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật. Ảnh: Cẩm Kỳ Trong thời gian đun mật, người nấu phải hết sức để ý đến độ lửa, lửa quá to sẽ bị cháy, nếu quá nhỏ sẽ cô đặc mật mía. Loại củi được dùng để nấu mật là những thân gỗ khô lâu năm. Ảnh: Cẩm Kỳ Thời gian đốt mỗi mẻ mật từ 4 - 5 giờ đồng hồ. Khi sôi phải có người đứng đều tay đảo nồi và liên tục vớt bọt. Nếu để mật bị trào sẽ hao hụt sản lượng, kém thơm, màu không đẹp mắt. Khi chảo mật đổi màu cánh gián cũng là lúc mật đạt chất lượng. Ảnh: Cẩm Kỳ Nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao nên mật mía của HTX nơi đây làm ra đến đâu được khách hàng và thương lái đặt mua hết đến đó, với mức giá từ 65 - 70 nghìn/lít (tương đương 1,4kg). Ảnh: Cẩm Kỳ Với truyền thống của làng nghề cộng với sự cần cù chịu khó, không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, người dân Thọ Điền đang tạo ra sản phẩm mật mía chất lượng tốt, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa tăng nguồn thu nhập cho bà con. Ảnh: Cẩm Kỳ Nghề làm mật hiện nay không vất vả như ngày xưa mà thu nhập cao hơn nhiều so với làm các nghề khác. Những năm gần đây, nhu cầu tăng cao nên vào vụ Tết những gia đình nơi đây bình quân bán được hơn 2 tấn mật thương phẩm, đem về nguồn thu nhập khá. Ảnh: Cẩm Kỳ Ông Phạm Quang Tùng, quyền Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết, năm nay sản lượng mật mía ở xã Thọ Điền đạt khoảng 200 tấn, trị giá hàng tỷ đồng. Hiện, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời tăng diện tích trồng mía để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Cẩm Kỳ