Làng quất cảnh phục vụ cho dịp Tết của người dân xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) bắt đầu nhộn nhịp người mua bán, hứa hẹn một vụ mùa đắt khách khi thời tiết thuận lợi, nhu cầu của người mua tăng cao.
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng trên các cánh đồng trồng quất cảnh của các xã Hợp Lý, Hợp Tiến đã nhộn nhịp cảnh “kẻ bán, người mua”. Thời tiết thuận lợi, cùng với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung quất cảnh chơi Tết cho thị trường so với năm trước, đang nhân lên niềm hy vọng đối với người nông dân trồng quất nơi đây.
Xã Hợp Tiến được xem là “thủ phủ” của nghề trồng quất cảnh của xứ Thanh. Trên cánh đồng bạt ngàn màu xanh đang bắt đầu điểm những mảng vàng rộm, người nông dân vẫn cần mẫn nhặt từng chiếc lá úa, tỉa những cành quất mọc không như ý… Những luống quất thẳng hàng, quả căng mọng bắt đầu ngả chín. Bà Đặng Thị Sinh (thôn 3, xã Hợp Tiến) cho biết: Trước đây, người dân trong xã trồng quất và cây cảnh các loại chủ yếu trong khuôn viên vườn nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nhiều hộ dân đã đầu tư chuyển đổi, cải tạo diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng quất và cây cảnh theo hướng hàng hóa.
Với gia đình bà Sinh, sau khi chứng kiến nhiều hộ dân khác trong thôn “phất” lên nhờ trồng quất cảnh, năm 2021, bà cùng chồng đã mạnh dạn chuyển đổi 2 sào đất trồng lúa kém năng suất sang trồng quất. Sau vụ đầu tiên hòa vốn vì chưa có kinh nghiệm, đến nay vườn quất của gia đình bà đã cho tán, thế hợp với thị hiếu của khách hàng, quả mọng, lá xanh dày.
“Năm nay với 200 gốc quất thế. Chúng tôi dự tính sẽ thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ đi mọi chi phí. Hiện đã có thương lái đến tìm hiểu mua, một số luống quất được đặt cọc tiền và chờ cận tết mới chuyển đi” - bà Sinh hào hứng nói.
Cùng có chung tâm trạng phấn khởi, ông Lê Minh Tuấn - hàng xóm của bà Sinh cũng cho biết: Vụ quất năm nay, gia đình ông trồng và chăm sóc hơn 800 gốc. Do nguồn cung từ các vựa quất cảnh phía Bắc mất mùa do bão lụt, các thương lái trong và ngoài tỉnh đã đổ dồn về đây để “gom hàng”, bán vào dịp Tết. Mặc dù đây mới là cuối tháng 11 âm lịch nhưng các thương lái đã đặt tiền trước hơn 700 cây. Mỗi cây có giá từ 450.000 đến 1,2 triệu đồng. “Chúng tôi hy vọng, số quất còn lại sẽ được bán lẻ với mức giá tốt vào sát Tết Nguyên đán” - ông Tuấn bày tỏ.
Dạo quanh một vòng các xã trồng quất cảnh của huyện Triệu Sơn mới thấy, năm nay, thị trường quất Tết rất sôi động, thương lái khắp nơi đều tranh thủ đặt mua sớm để tránh tình trạng “cháy” hàng vào dịp cận Tết. Ông Nguyễn Văn Tiến - một thương lái đến từ phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa, cho biết: Mọi năm trước, ông và bạn hàng đều ra các vựa quất cảnh tại các tỉnh như: Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định để “đánh” hàng về phục vụ thú chơi Tết của người dân trong tỉnh, kèm với đó là chi phí vận chuyển và rủi ro là rất lớn. Năm nay, các vùng trồng quất truyền thống miền ngoài đều rơi vào cảnh mất mùa nên ông phải chuyển hướng lên đây đặt cọc, giữ chỗ từ rất sớm.
Theo thống kê từ ngành nông nghiệp huyện Triệu Sơn: Vụ quất cảnh năm 2024, toàn huyện đã tiến hành trồng hơn 300ha quất cảnh, tập trung chủ yếu tại các xã Hợp Lý, Hợp Tiến... dự kiến doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn đã thường xuyên phối hợp với các xã trồng quất cảnh, theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời khuyến cáo đến các chủ hộ làm vườn thực hiện các biện pháp chăm sóc phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn các chủ hộ tiến hành chăm sóc, bón thêm các loại phân có hiệu quả dinh dưỡng để cây quất cho quả to, chín mọng, lá xanh, trên cây có nhiều thế hệ quả, hoa đúng vào dịp Tết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phú Quốc - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết: UBND huyện vừa thông qua kế hoạch tổ chức một hội chợ triển lãm vào cuối tháng 12 âm lịch hàng năm nhằm quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây là cơ hội để người dân giới thiệu những cây quất, đào, cây cảnh đẹp nhất, chất lượng nhất đến với đông đảo khách hàng. Hội chợ không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm mà còn là cầu nối để kết nối người sản xuất với thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề trồng quất, đào và các loại cây cảnh khác đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân ở các xã thuần nông, bán sơn địa của huyện. Với nhu cầu chơi cây, hoa cảnh vào dịp Tết Nguyên đán thì đây đang là một hướng phát triển kinh tế, mang tính bền vững cho người nông dân. Thêm vào đó, việc hình thành các làng hoa, cây cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa đang góp phần không nhỏ trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương” - ông Quốc cho biết thêm.