Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, vấn đề ở đây là khâu lưu thông, phân phối hàng hoá làm sao phải thực hiện đồng bộ, đảm bảo sự thông suốt, tránh đứt gãy.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Năng lực sản xuất nông nghiệp của các địa phương, nhất là ở 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 rất lớn, đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 10 triệu dân TP HCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn đang thiếu hụt cục bộ lương thực, thực phẩm. Vấn đề ở đây là khâu lưu thông, phân phối hàng hoá phải làm sao phải thực hiện đồng bộ, đảm bảo sự thông suốt tránh đứt gãy.
Hiện, các ngành chức năng đã chính thức tạo “luồng xanh” cho nông sản trên toàn quốc, vấn đề là trong quá trình thực hiện phải tạo sự thống nhất, không thể mỗi nơi làm một kiểu. Việc đưa nông sản tới kênh tiêu thụ như trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện tích của TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam đòi hỏi một khối lượng lớn, việc tạo “luồng xanh” cho nông sản từ nơi sản xuất đến nơi chế biến, tiêu thụ rất quan trọng, tạo nguồn nông sản dồi dào cho người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, TP HCM buộc phải đóng cửa các chợ đầu mối và hàng trăm chợ truyền thống trên địa bàn. Rõ ràng việc đóng cửa chợ đầu mối đã khiến thành phố thiếu hụt một lượng rau củ, thực phẩm lớn do các siêu thị không đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Trên thực tế, chợ đầu mối vẫn là nơi cung ứng phần lớn hàng hóa, nông sản thiết yếu cho người dân. Do vậy, phải có phương án phân phối, chủ động nguồn cung nếu không sẽ rất dễ bị động.
Hiện Hà Nội đang thực hiện siết chặt các dịch vụ không thiết yếu, trước đó tháng 4/2020, Hà Nội từng thực hiện giãn cách xã hội. Tuy vậy, chỉ sau 2 ngày là thành phố đã chuẩn bị đủ nguồn lương thực, hàng hóa thiết yếu với nguồn cung tăng tới 300% để đáp ứng nhu cầu của người dân. Không chỉ có năng lực sản xuất lớn, Hà Nội còn liên kết với các địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản. Như vậy, trong bất cứ điều kiện nào, người dân vẫn yên tâm về lượng nông sản. Hàng hóa đảm bảo đủ, không phải tích trữ một cách ồ ạt, tạo áp lực cho kênh phân phối, và việc tập trung đông người mua sắm dẫn tới nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.
Liên quan tới đầu ra cho nông sản mùa dịch, nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản, Bộ NNPTNT đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee… Như mùa vải thiều vừa qua, chủ động tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều. Đẩy mạnh đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU,... Đối với thị trường trong nước, Bộ thúc đẩy bán hàng trên các nền tảng công nghệ số.