Một nghiên cứu mới từ Thụy Điển cho thấy, trẻ thừa cân khi ở tuổi vị thành niên dường như phải đối mặt với nguy cơ cao hơn bị đột quỵ sau này.
Người trẻ thừa cân, béo phì tăng 80% nguy cơ đột quỵ so với người có cân nặng bình thường.
“Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, tránh để BMI tăng quá mức khi ở độ tuổi từ 8-20 có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch”, tác giả nghiên cứu bác sĩ Jenny Kindblom thuộc Đại học Gothenburg cho biết.
BMI là viết tắt của (Body Mass Index) được gọi là chỉ số cơ thể, thường được các chuyên gia hoặc các bác sĩ áp dụng để xác định tình trạng cơ thể của một người nào đó có bị thừa cân hay gầy ốm hay không. Thông thường chúng ta thường sử dụng chỉ số BMI để tính toán mức độ béo phì. |
Các nhà nghiên cứu cho biết, thừa cân khi ở tuổi dậy thì có thể dẫn tới tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã xem xét hồ sơ sức khỏe của hơn 37.600 nam giới được đo BMI lúc 8 tuổi và 20 tuổi. Những người này được theo dõi trong thời gian trung bình 38 năm, bắt đầu từ khi 20 tuổi. Tổng cộng có 918 người bị đột quỵ. Nhóm nghiên cứu thấy rằng, những người thừa cân hoặc béo phì khi ở tuổi dậy thì tăng 80% nguy cơ đột quỵ so với những người có cân nặng bình thường.
Bác sĩ Kindblom cho biết, nghiên cứu này chỉ cho thấy mối liên quan chứ không chứng minh mối quan hệ nhân quả. Những trẻ lúc đầu bị thừa cân nhưng sau đó đã duy trì được cân nặng bình thường ở tuổi 20 không bị tăng nguy cơ đột quỵ.
Sarah Samaan chuyên gia tim mạch tại Texas cho rằng, khuyến khích trẻ giảm cân khi nhỏ có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ sau này. Nghiên cứu này ủng hộ sự cần thiết phải xây dựng những bữa ăn lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ cả ở nhà và ở trường.