Ngày 5/12, Bộ NNPTNT thông qua Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) đã tổ chức Hội nghị toàn thể ISG 2019 với chủ đề “Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam”.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, tập trung vào 3 vấn đề chính: Đề xuất các khuyến nghị chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thành công từ các chương trình/dự án của đối tác quốc tế trong việc phát triển xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp bền vững, thúc đẩy chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới; Chia sẻ các định hướng ưu tiên nhằm tăng cường cơ hội hợp tác giữa hai bên trong phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt hướng đến nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, để ngành nông nghiệp phát triển cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thúc đẩy hợp tác trong quan hệ đối tác công - tư trong nhiều lĩnh một cách hiệu quả, bền vững…
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tác động của biến đổi khí hậu và thách thức từ hội nhập kinh tế thế giới. Để giải quyết 3 thách thức này theo Bộ trưởng Cường không có cách nào khác là phải tập trung công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, phát triển những ngành hàng có lợi thế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ mới và tổ chức lại sản xuất.
Hiện nay, nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 186 nước trên thế giới với giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, hầu hết các thị trường chúng ta đã mở chưa bền vững về mặt thời gian, chưa đảm bảo về quy mô hàng hóa và đặc biệt nguy cơ rủi ro rất cao khi chịu tác động cạnh tranh từ hội nhập kinh tế…Vì thế, Bộ trưởng Bộ NNPTNT mong muốn diễn đàn năm nay sẽ giúp Việt Nam có được nhiều kinh nghiệm hay cũng như khuyến nghị, ý kiến đề xuất để phát huy tốt hơn tiềm năng, cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, TS. Đặng Kim Sơn, trong chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu là điểm khởi đầu và nền tảng. Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá nhằm giải quyết các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Trên nền tảng đó mới quy hoạch, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng phát triển hạ tầng cho nông nghiệp và các ngành dịch vụ phụ trợ khác.
Ông Stein Hansen - Giám đốc vùng, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chia sẻ, tại các nước đang phát triển chỉ có khoảng 30% mặt hàng nông sản xuất khẩu được chế biến trong khi tỷ lệ này đạt 96% tại các quốc gia phát triển. Các quốc gia có thu nhập cao đã tạo ra 200 USD giá trị gia tăng đối với 1 tấn hàng hóa nông sản đã qua chế biến trong khi các quốc gia đang phát triển chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng 50USD. Chính vì thế, UNIDO mong muốn giúp Việt Nam thúc đẩy cơ hội kinh doanh bền vững và bao trùm cho người nghèo ở nông thôn thông qua việc phát triển chuỗi giá trị nông sản, tăng cường liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường.