Vấn đề sai phạm của cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) vừa được đề cập tại kỳ họp Quốc hội lần này. Nhiều cán bộ, nghệ sĩ VFS cũng đã có đơn thư gửi tới Quốc hội và Đoàn ĐBQH TPHà Nội.
Nhà hàng Vọng Ba Lâu nằm trên mảnh đất đang tranh chấp giữa VFS và bà Nguyễn Lệ Thủy.
Nhiều cán bộ, nghệ sĩ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cũng có đơn gửi tới báo Đại Đoàn Kết phản ánh những vấn đề liên quan đến xử lý sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018. Khi thảo luận tại Tổ chiều ngày 22/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Để ông bất động sản vào làm cổ đông chiến lược hãng phim truyện là không được. Việc này có thể làm lại, không sao cả. Nhưng, trước khi làm lại cổ phần hóa, cần xử lý dứt điểm những sai phạm trong việc cổ phần hóa VFS vừa qua”.
Cán bộ, nghệ sĩ VFS đặt vấn đề: Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cần có chế tài để xử lý, tránh việc để chính những người gây ra và liên quan đến sai phạm lại được đứng ra tiếp tục xử lý. Kết luận Thanh tra đã được công bố hơn một năm, nhưng việc xử lý vẫn đình trệ. Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cứ lần lượt tự ý cắt lương, không đóng BHXH, BHYT cho người lao động, cho nhiều NSND, NSƯT; thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động với cả người bảo vệ kho vật liệu nổ, vũ khí quân dụng của VFS tại Đông Anh, Hà Nội. Khi báo Đại Đoàn Kết phản ánh việc này, cơ quan chức năng đã tới lập biên bản và tiêu hủy. Cán bộ, nghệ sĩ VFS đã nhiều lần làm đơn đề nghị đối thoại, giải quyết vấn đề tiền lương, bảo hiểm nhưng lãnh đạo Bộ VHTT&DL vẫn loanh quanh hứa và hứa.
NSND Nguyễn Thanh Vân nói: “Chúng tôi đề nghị Quốc hội có tiếng nói yêu cầu cơ quan chức năng xử lý những người gây ra sai phạm trong quá trình cổ phần hóa như kết luận thanh tra của Chính phủ đã công bố. Yêu cầu các cá nhân trong Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa, Bộ VHTT&DL cũng như ban giúp việc thuộc VFS đứng đầu là ông Tổng giám đốc Vương Tuấn Đức kiểm điểm, sau đó có hình thức xử lý kỷ luật và xử lý hình sự nếu có”.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Bộ VHTT&DL phải thực hiện ngay các quy trình để Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO) xin thoái vốn trước thời hạn. Ngày 2/4/2019, Văn phòng Chính phủ cũng có Thông báo số 116/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, VOV, UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, yêu cầu Bộ VHTT&DL và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam thực hiện kết luận thanh tra, để nhà đầu tư chiến lược rút vốn trước thời hạn. Thế nhưng, đến nay, VIVASO vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, từ đó dẫn tới hệ lụy về tư cách pháp nhân để VFS tham gia đấu thầu hay xin tham gia sản xuất phim từ nguồn ngân sách Nhà nước. Bộ phim “Người yêu ơi” có kế hoạch từ trước khi VFS cổ phần hóa, nhưng vì không đủ tư cách pháp nhân nên đã bị hủy, không được rót vốn. Những dự án phim khác mà Nhà nước giao qua Cục Điện ảnh thẩm định cũng không chảy về được VFS.
Những sai phạm khác trong quá trình cổ phần hóa VFS là đã định giá trị đất đai và ưu thế sử dụng đất đai bằng không và không định giá trị thương hiệu của VFS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Liên quan đến vấn đề đất đai của VFS, Tòa án Nhân dân Quận Tây Hồ đã đưa vụ án tranh chấp giữa Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam và bà Nguyễn Lệ Thủy (ở Thụy Khuê) ra xét xử. Theo Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DSST ngày 16/5/2019 tuyên thì: Bà Nguyễn Lệ Thủy đã thuê từ hàng chục năm trước khi cổ phần hóa, nay phải trả lại cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam và bồi thường hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Thủy đã có đơn kháng cáo, một trong các lý do là bà chỉ trả cho VFS chứ không phải cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, vì công ty này phải thoái vốn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc ngày 14/6/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội có Quyết định Kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 7/11/2019, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Vấn đề đất đai của VFS càng trở nên nhức nhối vì chưa chắc sau khi VIVASO thoái vốn thì các khu đất vàng tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung (TPHCM) lại trở về VFS. Bởi lẽ, ngày 23/10/2018, Thanh tra Chính phủ có văn bản số 1822/TTCP-V.III trả lời đơn của các nghệ sĩ cho biết: Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM thu hồi 2 mảnh đất trên.