Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đã xác định ngay từ những ngày đầu lập nước tính chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
Theo Người:
Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân
Có thể khẳng định: Lần đầu tiên trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai từ “dân chủ” – ước mơ ngàn đời của mọi người con dân đất Việt yêu nước, thương nòi đã thành hiện thực và trở thành chính thể của Nhà nước ta – chính thể Dân chủ Cộng hòa
Với quan điểm “dân là chủ”, 74 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đã chiến thắng mọi thế lực xâm lược, thống nhất đất nước.
Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”.
Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng hàng đầu như Nghị quyết đã đề ra là: Phải thu hút được nhân dân, đặc biệt là công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang tham gia quản lý Nhà nước, sử dụng trên thực tế quyền lực của người làm chủ giám sát Nhà nước đó để Nhà nước mãi mãi là của dân, do dân và vì dân”.
Thực hiện Nghị quyết lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khóa VIII và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về đổi mới kinh tế, chính trị, xã hội nhằm phát huy một bước quyền làm chủ của nhân dân. Nhờ đó, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được thể chế hóa và chậm đi vào cuộc sống. Biểu hiện rõ nét nhất của tình hình trên là sau “Sự kiện Thái Bình” (1997 – 1998) các sự vụ khiếu kiện đông người vẫn chưa giảm, có lúc, có nơi còn tăng thêm và gay gắt hơn.
Ngày 18 tháng 2 năm 1998 Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 30 CT/TƯ “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Ngoài 5 quan điểm chỉ đạo, 6 nội dung cần quán triệt khi triển khai, Chỉ thị còn nêu rõ phương châm, phương pháp thực hiện.
Chỉ thị yêu cầu: “Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong hội viên, đoàn viên và nhân dân Chỉ thị này và Quy chế dân chủ cơ sở, làm cho mọi người hiểu và sử dụng đúng các quyền của mình đã được quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời chấp hành đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với chính quyền trong việc thực hiện và giám sát thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Ngày 26/5/1998 Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Thông tư hướng dẫn Ủy ban Mặt trận các cấp tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn với 3 nội dung chủ yếu sau:
A. Tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở khu dân cư những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
B. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp triển khai những việc cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình theo những nội dung được nêu trong Quy chế dân chủ ở cơ sở.
C. Củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; củng cố Ban Thanh tra Nhân dân để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với những điều được quy định trong Quy chế.
Qua 20 năm triển khai Chỉ thị 30 CT/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định 29/1998 NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ, thực hiện 3 nội dung trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng mừng được thể hiện trên các mặt sau:
1. Hầu hết cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến xã phường, thị trấn và các trưởng ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư, thôn, làng, ấp bản được học Chỉ thị 30 CT/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị định 29CP của Chính phủ; Các tổ chức thành viên như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở nhiều địa phương đã tổ chức cho đoàn viên, hội viên của mình học tập tập trung theo từng cụm dân cư.
Ở các thôn, làng, ấp, bản qua mỗi kỳ Đại hội cấp xã, phường, thị trấn Ban Công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố tổ chức phổ biến nội dung Chỉ thị 30CT/TƯ và Nghị định 29CP trong các cuộc họp nhân dân, trong các hội nghị triển khai các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì và tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh của xã, thôn v.v…
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận ở nhiều địa phương được Ban Chỉ đạo phân công đặc trách việc tuyên truyền, phổ biến Quy chế dân chủ ở cơ sở cho các chức sắc tôn giáo, các già làng, trưởng bản, các trưởng dòng họ, những người có uy tín và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng để họ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho các tầng lớp nhân dân mà họ có ảnh hưởng. Việc thực hiện nhiệm vụ đó là một chỉ tiêu thi đua và hàng năm được xem xét, bình bầu và khen thưởng.
Nhìn chung, việc tổ chức học tập cho cán bộ Mặt trận các cấp được tiến hành đều đặn hàng năm, đặc biệt là đối với cán bộ cơ sở sau mỗi kỳ đại hội. Riêng việc tổ chức học tập trong cán bộ chính quyền và trong dân thời gian đầu khi triển khai Chỉ thị và Quy chế là khá rầm rộ, sôi nổi và đều khắp. Càng về sau, tình hình học tập càng “nguội” dần.
2. Cho đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn ở hầu hết các địa phương đã phối hợp với chính quyền cùng cấp cụ thể hóa các nội dung của Quy chế dân chủ và đề ra phương thức thực hiện cho phù hợp với đặc điểm của địa phương mình, bao gồm:
- Những việc chính quyền địa phương có trách nhiệm thông tin kịp thời và công khai để dân biết.
- Những việc phải đưa ra để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp.
- Những việc phải lấy ý kiến của dân trước khi chính quyền quyết định.
- Những việc mà nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát.
Và cuối cùng là nội dung việc xây dựng cộng đồng dân cư.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là cấp cơ sở tiến hành giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo ba phương thức sau;
a. Vận động nhân dân trực tiếp giám sát
b. Giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân.
c. Giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở.
Trong ba phương thức nêu trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chú trọng chỉ đạo Ban Thanh tra Nhân dân đi sâu giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân; giám sát của từng đại biểu Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giám sát việc thu, chi các khoản đóng góp của dân để xây dựng cơ sở hạ tầng trong cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.
Từ khi có Quy chế dân chủ, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân và sau đó là Ban Giám sát cộng đồng xã, phường, thị trấn có nội dung cụ thể và mang lại hiệu quả thiết thực. Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Tổng thanh tra Nhà nước và Bộ Nội vụ tổ chức tổng kết 10 năm hoạt động thanh tra nhân dân. Kết quả cho thấy, từ sau khi có Quy chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân ngày càng thiết thực và được dân tin tưởng.
Đây cũng là một cơ sở quan trọng để các cơ quan tham mưu giúp Bộ Chính trị xây dựng và Ban hành Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12/12/2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội”. Hoạt động giám sát trực tiếp của nhân dân là hình thức giám sát sôi động nhất và mang lại hiệu quả rất thiết thực. Nội dung giám sát thường tập trung vào: Việc quản lý và sử dụng đất đai; việc đền bù giải phóng mặt bằng; việc xây dựng các công trình do dân đóng góp, những công trình do Nhà nước đầu tư trực tiếp cho xã; giám sát giải quyết các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến cán bộ xã, thôn.
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, mà trực tiếp và chủ yếu là ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã góp phần quan trọng vào việc phát huy quyền và trách nhiệm làm chủ của nhân dân. Thông qua Mặt trận, nhân dân phát hiện những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, trong việc thực hiện các điểm quy định trong Quy chế dân chủ và kiến nghị những giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát nói chung, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ nói riêng vẫn đang là khâu yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Về khách quan, Nhà nước chưa có những cơ chế cụ thể đối với từng lĩnh vực cần giám sát; việc tổ chức, tuyên truyền, phổ biến pháp luật làm chưa tốt nên nhiều người dân chưa nắm được pháp luật.
Về chủ quan, về tổ chức cán bộ và hoạt động của Mặt trận cơ sở nhiều nơi vừa yếu, vừa thiếu nên “lực bất tòng tâm”. Mặt khác, không ít cán bộ Mặt trận, cán bộ thanh tra còn nặng tâm lý “đấu tranh tránh đâu”, nhất là những người mắc sai lầm, khuyết điểm lại là những người “có chức, có quyền”, trong nhân dân nhiều nơi còn nặng tâm lý giữ cho quan hệ họ hàng, quan hệ xóm làng tốt đẹp để “tối lửa tắt đèn có nhau”.