Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến không như những gì mà chính quyền Mỹ mong đợi, khi mà các đòn áp thuế và kiểm soát đầu tư dường như không thể hạ gục Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc tiếp tục lâm thế bế tắc trong đàm phán thương mại (Nguồn: Reuters).
Bế tắc, trì hoãn
Trung Quốc đang thúc đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump gỡ bỏ thêm lệnh thuế quan áp đặt vào tháng 9/2019, như một phần trong thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Washington.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể ký kết thỏa thuận trong tháng này. Dự kiến, thỏa thuận bao gồm cam kết của Mỹ cắt giảm thuế đối với lô hàng nhập khẩu điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi Trung Quốc trị giá khoảng 156 tỷ USD. P
hía Bắc Kinh muốn Washington giảm 15% thuế quan đối với khoảng 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị áp đặt thuế quan vào ngày 1/9 và yêu cầu giảm mức thuế 25% trước đó đối với khoảng 250 tỷ USD các mặt hàng xuất khẩu máy móc, chất bán dẫn và đồ nội thất. Đổi lại, Bắc Kinh phải cam kết mua 50 tỷ USD hàng hóa nông sản của Mỹ trong 2 năm tới, đồng thời, phải thực thi các cam kết như mở cửa ngành dịch vụ tài chính và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các hãng công nghệ Mỹ như Apple.
Theo Reuters, chính quyền Bắc Kinh đang ra sức ép buộc Washington phải loại bỏ tất cả các mức thuế càng sớm càng tốt, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang lung lay dưới làn sóng phản đối dữ dội trong nước và các cáo buộc luận tội của đảng Dân Chủ.
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc dự kiến ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” bên lề hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Chile vào 10, tuy nhiên cuộc gặp giữa 2 bên sau đó bị hủy bỏ. Hiện tại, thời gian và địa điểm ký kết thỏa thuận vẫn chưa được quyết định, nhưng nó có thể diễn ra tại Iowa (Mỹ) theo như tiết lộ của ông Trump.
Tại lễ khai mạc hội chợ thương mại quốc tế Thượng Hải hồi đầu tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các nước đứng lên chống lại chủ nghĩa bảo hộ và nhắc lại cam kết sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc cũng như tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tác thương mại, đồng thời khẳng định giới chức nước này sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư với Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian sắp tới. Đây có thể xem là động thái chuyển dịch cơ cấu đầu tư của Trung Quốc nhằm phục hồi nền kinh tế đang có dấu hiệu đi xuống nghiêm trọng trong năm 2019.
Vũ khí bí mật của ông Trump
Trong bối cảnh thương chiến có khả năng kéo dài, viễn cảnh Washington vực lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được giới chuyên gia bàn tới. Mặc dù kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, nhưng không hề chịu tác động lớn, phía Mỹ hết sức lo ngại rằng Trung Quốc sẽ bình thường hóa các biện pháp liên quan tới thương chiến như điều chỉnh cấu trúc nền kinh tế, như Nga từng làm trước đây, để rồi trong tương lai sẽ vô hiệu hóa các chiến lược kìm hãm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
TPP mà chính quyền Barack Obama từng thúc đẩy bao gồm 12 quốc gia nằm dọc Vành đai Thái Bình Dương, hợp thành 40% tổng GDP của toàn thế giới không bao gồm Trung Quốc. Mục đích địa chính trị của Mỹ khi tham gia hiệp định thương mại tự do này là nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế, và được xem là công cụ mạnh mẽ hơn các đòn áp thuế, kiểm soát đầu tư và cấm xuất khẩu mà chính quyền Trump áp dụng hiện nay. TPP đề xuất tiêu hủy tới 18.000 hàng rào thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn lớn xét về tiêu chuẩn nguồn nhân lực, các quy định về môi trường và tài sản trí tuệ. Thêm vào đó, ngành nông nghiệp và khu vực dịch vụ của Mỹ từng được cho là những bên sẽ thắng lớn nhờ TPP.
Tuy nhiên, những người phản đối TPP lại chỉ ra rằng ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ sẽ trở thành “nạn nhân” của hiệp định này. Việc cân bằng nhu cầu của giới công nhân ngành chế tạo – vốn không phải một ưu tiên của chính quyền Obama – với các lợi ích địa chính trị của nước Mỹ bởi vậy trở thành một bài toán hóc búa với ông Trump. Và trong lúc thực thi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình, ông Trump đã rút khỏi TPP nhằm tránh để mất công ăn việc làm của giới nhân công Mỹ vào tay các nước khác.
Quyết định của ông Trump trong việc tiêu hủy hiệp định này vấp phải nhiều lời chỉ trích, đặc biệt là từ phía Nhật Bản. TPP về mặt kỹ thuật là đã chết, nhưng sự hồi sinh của nó cũng sẽ dễ dàng xảy ra bởi sự mong đợi của 11 thành viên còn lại, trong khi cấu trúc của hiệp định hầu như không thay đổi.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Khả năng TPP được phục hồi nên được xem xét một cách nghiêm túc. Khi được phối hợp cùng với các biện pháp mà Mỹ đang theo đuổi hiện nay, hiệp định này có thể giúp tăng cường đáng kể vị trí chiến lược của Mỹ. Nếu Mỹ đóng vai trò trung tâm và là người giữ cửa của TPP, có quyền lực điều hướng thương mại khỏi Trung Quốc, thì đó sẽ là cơn ác mộng đối với Trung Quốc.
Trong lúc kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang tới gần và ông Trump được dự báo sẽ giành chiến thắng, TPP có khả năng sẽ được hồi sinh ngay trong đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump. Dù Tổng thống Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng phản đối ngày càng tăng, nhưng việc hồi sinh TPP chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng, bởi thỏa thuận này do chính đảng Dân chủ đề xuất.
Nếu xét về kiểu tự do áp đặt thuế quan đối với cả bạn lẫn thù của ông Trump, thì việc vực dậy TPP sẽ giúp các nước thành viên nhanh chóng đảm bảo được vị trí của mình trong khối thương mại tự do này, giúp ông Trump có quyền đàm phán lại các điều khoản có lợi cho ông, đặc biệt là các biện pháp nhằm hạn chế đặt công xưởng của Mỹ ở nước ngoài.
TPP dưới thời của Trump có thể phải “thay tên đổi họ”. Việc vực dậy hiệp định này sẽ giúp tăng cường khả năng đàm phán thỏa thuận của ông Trump, từ đó mở lại cánh cửa đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mới – một phiên bản của TPP ở châu Âu.
Trong lúc mà các biện pháp kinh tế nhằm vào Trung Quốc của ông Trump đang bị cho là thất bại, khả năng TPP được hồi sinh càng cao. Với sự ủng hộ từ lưỡng đảng cùng các đồng minh của nước Mỹ, TPP có thể đóng vai trò hữu hiệu hơn trong việc đối phó với Trung Quốc và khiến những người chỉ trích ông Trump phải tắt tiếng.