Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/9 đã cam kết sẽ tăng nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ các nước Liên minh châu Âu (EU) và hợp tác về biến đổi khí hậu; tuy nhiên không đưa ra cam kết về việc trao cho EU quyền tiếp cận thị trường, vốn là vấn đề gai góc giữa hai bên.
Những vấn đề gai góc
Trong cuộc họp trực tuyến với 3 nhà lãnh đạo của EU nhằm hàn gắn mối quan hệ đã trở nên căng thẳng do đại dịch Covid-19, ông Tập cũng bày tỏ hy vọng sẽ ký kết một thỏa thuận nhằm bảo vệ lợi ích các nhà đâu tư châu Âu ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen vẫn bày tỏ sự thất vọng của mình - phản ánh quan điểm cứng rắn hơn của khối này đối với Trung Quốc trong nhiều vấn đề. “Tôi muốn nói rằng vẫn còn rất nhiều thứ cần được thực hiện” - bà nói, ám chỉ quyền tiếp cận thị trường và sự bền vững.
Một thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc nhằm tạo một sân chơi và gỡ bỏ các rào cản thị trường đối với các nhà đầu tư châu Âu ở Trung Quốc được cho là sẽ hoàn tất trong năm nay. Ông Tập đã nhất trí “xúc tiến” các vòng đàm phán để đạt được thỏa thuận đúng thời hạn, trong khi bà von der Leyen xác nhận rằng hai bên đã đạt được một số bước tiến nhất định.
Nhưng EU khẳng định ưu tiên của họ vẫn là việc Trung Quốc phải cải cách các quy định thị trường hạn chế, ngoài ra còn có một số nước thành viên khối này tỏ thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc liên quan tới đại dịch Covid-19 và Luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong.
Không nhắc tới Mỹ, ông Tập cũng kêu gọi EU - khối hiện coi Trung Quốc như một “đối thủ hệ thống - phải tôn trọng “sự đồng tồn tại hòa bình” của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, một trong bốn nguyên tắc của ông đối với EU. “Không có hai hệ thống chính trị giống hệt nhau trên thế giới”- ông Tập nói tại Hội nghị, theo Tân Hoa Xã.
Ngoài kêu gọi chủ nghĩa đa phương và đối thoại, ông Tập cũng yêu cầu EU duy trì sự cởi mở khi làm ăn với phía Trung Quốc, nhắc tới các chính sách mới đây của khối này nhằm sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài, công nghệ 5G và “các chính sách cạnh tranh” – nhắc tới các đề xuất mà EU đưa ra nhằm hạn chế công ty được nhà nước Trung Quốc bảo trợ mua lại tài sản và doanh nghiệp của EU.
Trong một đoạn trao đổi căng thẳng, 3 nhà lãnh đạo của EU đã nêu tới một số vấn đề gai góc, như vấn đề nhân quyền, Luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong. Chủ tịch Tập Cận Bình đã phản bác lại, nói rằng “mọi quốc gia trước tiên nên tự lo cho các vấn đề của họ”- theo Tân Hoa Xã.
“Chúng tôi tin rằng EU có thể giải quyết đúng đắn các vấn đề nhân quyền của họ. Trung Quốc không chấp nhận “bài giảng” về vấn đề nhân quyền và phản đối tiêu chuẩn kép”- ông Tập nhấn mạnh.
Hành động thay vì lời nói
Chủ tịch Trung Quốc cũng chỉ ra một số vấn đề nhân quyền của châu Âu, trong đó có cả chủ nghĩa bài Do Thái. Và luận điểm này cũng bị các nhà lãnh đạo EU bác bỏ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, người cũng tham gia vào cuộc họp trực tuyến, đã nhấn mạnh các vấn đề trên trong cuộc họp báo tiếp nối sau đó.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định, EU có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc và là đối tác thương mại số một của quốc gia này với giá trị giao dịch trung bình giữa hai bên lên tới hơn 1 tỷ Euro mỗi ngày. Thương mại có thể tiếp thêm sức mạnh cho sự phục hồi kinh tế của cả hai phía và EU muốn xây dựng mối quan hệ cân bằng hơn với Bắc Kinh.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, ông Michel cho biết, EU bảo vệ tầm nhìn của mình về một không gian mạng tự do, mở và an toàn, vì lợi ích của công dân và toàn xã hội. Với tư cách là người chơi toàn cầu, EU và Trung Quốc cần có trách nhiệm tương xứng.
EU cũng khuyến khích Trung Quốc theo đuổi sự phục hồi kinh tế để cải cách cơ cấu và định hình một nền kinh tế xanh, bền vững hơn. Chủ tịch Michel kết luận cuộc họp lần này vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc thảo luận là chưa đủ, hai bên cần phải chuyển từ lời nói sang hành động.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cho biết, EU kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa cho các sản phẩm và dịch vụ truyền thông kỹ thuật số của châu Âu. Bà von der Leyen lưu ý, EU mong muốn Bắc Kinh sẽ gỡ bỏ các rào cản thị trường, ít nhất đối với các sản phẩm kỹ thuật số và dịch vụ truyền thông của châu Âu. Thị trường của EU trong lĩnh vực này hoàn toàn mở và EU cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc.