Thương hiệu cho du lịch Việt

Hoài Vũ 09/11/2016 09:30

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Du lịch sửa đổi. Nhiều ĐB đã bày tỏ quan ngại khi tiềm năng của đất nước rất lớn nhưng du lịch vẫn không phát triển. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng thương hiệu cho du lịch nước nhà cũng được đặt ra.

Thương hiệu cho du lịch Việt

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Thảo luận tại tổ, nhiều ĐB cho rằng, Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn nhưng cứ chạy mãi theo người ta, nhưng chạy mãi vẫn không kịp. Du lịch của ta đứng thứ 5 ASEAN, lượng khách 1 năm chưa được 8 triệu, trong khi Thái Lan là 29 triệu, như vậy ta chỉ bằng 34% Thái Lan. Một đất nước nhiều di tích lịch sử công trình văn hóa, thiên nhiên đẹp mà du lịch vẫn không phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, làm luật phải đảm bảo phát triển nhất là hội nhập sâu rộng, kết nối không biên giới.

Theo ông Giàu, điều 3 giải thích du lịch là ngành kinh tế tổng hợp là không đúng, chỉ có ngân hàng, tài chính, kế hoạch mới là kinh tế tổng hợp, còn du lịch là kinh tế đa ngành. “Linh hồn của luật là chính sách phát triển du lịch nhưng lại chưa đủ rõ, chưa đủ minh bạch. Điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia trong đó có điều kiện trừu tượng gọi là có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn, vậy thế nào là đặc biệt hấp dẫn?”- ông Giàu nêu vấn đề.

Nói như lời ĐB Võ Thị Ánh Xuân- Bí thư Tỉnh ủy An Giang: Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng thời gian qua tư duy cách làm còn lúng túng nhưng luật mới này không đảm bảo được 2 yếu tố là phát triển và quản lý nhà nước và đây chính là bước thụt lùi trong làm luật.

Mở quá nhiều cho doanh nghiệp nước ngoài

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết- Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng, Luật mở quá rộng cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lữ hành trong khi doanh nghiệp của ta đông nhưng tính cạnh tranh chưa tốt.

Cho nên chưa nên mở ở thời điểm này để bảo hộ doanh nghiệp trong nước, đừng để ta “thua trên sân nhà”, vì doanh nghiệp nước ngoài trường vốn trong khi ta nhỏ lẻ, ít vốn.

Hoạt động kinh doanh lữ hành là loại kinh doanh có điều kiện, trong đó kinh doanh lữ hành và lưu trú phải được cấp phép vì liên quan đến ngoại giao, con người, an ninh nhưng luật vẫn mở.

Cho nên kinh doanh lữ hành phải am hiểu về lữ hành hiểu về du lịch, pháp luật chứ như luật ai cũng có thể mở được kinh doanh lữ hành “miễn là có tiền”. “Nếu mở sẽ làm phức tạp thêm tình hình kinh doanh lữ hành nước ta, chưa kể người nước ngoài vào núp bóng du lịch. Quy định kinh doanh lữ hành phải chặt chẽ hơn và phải được kiểm soát vì đây là vấn đề liên quan đến con người, an ninh, ngoại giao”- theo bà Tuyết.

Dẫn chứng hiện có thực tế người nước ngoài sang Việt Nam rồi làm hướng dẫn viên du lịch, họ không hiểu lịch sử, chính trị nên không kiểm soát được họ trao đổi thông tin gì với du khách nên rất nguy hiểm, bà Tuyết đề nghị, chỉ người có quốc tịch Việt Nam mới được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, người nước ngoài không được phép hoạt động.

Quy định chặt chẽ để tránh tình trạng người nước ngoài sang Việt Nam đưa khách đi bằng xe của họ, ăn uống mua sắm cũng dẫn vào cửa hàng của họ, dẫn đến thất thoát cho du lịch Việt Nam.

Nói như lời ĐB Nguyễn Thị Việt Nga- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương thì quy định về lữ hành quá sơ sài, Luật 2005 quy định rất rõ nhưng lần này lại cắt đi. Chúng ta nên giữ nguyên như Luật 2005 vì các công ty lữ hành năm 2005 chỉ có 428 công ty nhưng đến nay đã có hơn 3.000 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh lữ hành. “Đừng thả nổi vì kinh doanh lữ hành tương đối đặc biệt phải có kiến thức về du lịch”- bà Nga nói.

Xây dựng thương hiệu

Vấn đề được nhiều ĐB đặt ra để du lịch phát triển bền vững, ngoài cần những chính sách phát triển du lịch thì yếu tố quan trọng chính là xây dựng thương hiệu.

Theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam cần quản lý để tránh việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo sai sự thật. Chất lượng thiết bị bên trong cơ sở lưu trú là vô cùng quan trọng vì đây là vấn đề thương hiệu. Có nơi khách sạn 4 sao nhưng vào như nhà nghỉ. Chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã than phiền về chất lượng khách sạn 4 sao vệ sinh không sạch, nhân viên không lễ phép. Cho nên cần xếp hạng cơ sở lưu trú. Nếu không đánh giá xếp hạng sẽ không đảm bảo chất lượng và ảnh hưởng lâu dài đến du lịch nước ta. Và sau khi xếp hạng xong 3-5 năm phải kiểm tra xếp hạng lại nếu không doanh nghiệp sẽ không chịu đầu tư, để cho xuống cấp làm mất thương hiệu.

Băn khoăn về điều kiện khu du lịch quốc gia phải có diện tích 1.000 ha và 500 ngàn khách/ 1năm, bà Tuyết đặt vấn đề: Đây là vấn đề trong các cuộc họp các ý kiến góp ý đều đề cập đến.

Nên chọn đặc sắc giá trị về thiên nhiên bảo tồn văn hóa và cần khai thác một cách bền vững làm tăng giá trị của kỳ quan thì Nhà nước nên xây thành khu du lịch quốc gia để bền vững.

Ví dụ như Sơn Đòng 1 năm không thể đạt 500 ngàn khách, trong khi bây giờ khách sẵn sàng bỏ chi phí để thăm quan Sơn Đòng. Vấn đề là làm sao để đặc sắc hơn là chúng ta quy định 1.000 ha hay 500 ngàn khách/ 1 năm.

Chuyển lời của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tới đại diện Tổng cục Du lịch, bà Tuyết nói: Doanh nghiệp cho rằng cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội còn nắm vững, hiểu về du lịch hơn cơ quan soạn thảo. Bộ VHTTDL là cơ quan soạn thảo luật nhưng không hiểu nhiều về du lịch. Cho nên Ban soạn thảo cần lưu ý nếu không sẽ cản trở vấn đề phát triển du lịch.

Cũng đề cập đến xây dựng thương hiệu, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, nhiều bạn bè quốc tế nói rằng, sang du lịch Việt Nam sợ nhất là trộm cắp, rồi giá phí du lịch người trong nước với người nước ngoài. Họ ghét nhất tháng này 160 nghìn nhưng tháng sau lại tăng lên 250 nghìn, khách Việt Nam chỉ 10 nghìn nhưng khách nước ngoài lại 100 nghìn. “Như quán bún chả mà ông Obama ăn ở gần nhà tôi, bây giờ sáng nào cũng phải đặt chỗ trước thì mới có chỗ ăn. Cho nên xây dựng và bảo vệ thương hiệu là vô cùng quan trọng”- ông Hiếu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương hiệu cho du lịch Việt