2 tháng đầu năm 2024, nhiều tín hiệu tích cực đến với kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ ngày 1/1 đến hết ngày 14/2/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 82,56 tỷ USD; tăng 17,1% so với cùng thời gian năm 2023; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá gần 43,83 tỷ USD; tăng 21,6% so với cùng thời gian năm 2023 và nhập khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá 38,73 tỷ USD; tăng 12,4%.
Lĩnh vực xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng. Chưa bao giờ xuất khẩu cà phê của Việt Nam có giá tốt như hiện tại. Xuất khẩu gạo dù có biến động ít nhiều về giá nhưng vẫn rất thuận lợi. Xuất khẩu sầu riêng tăng cao đột biến về sản lượng, khiến sầu riêng trở thành “trái cây vua” của Việt Nam.
Lạc quan, nhưng ý kiến của giới chuyên gia cho rằng vẫn rất cần thận trọng khi mà nhu cầu của thế giới vẫn đang bị tác động bởi suy thoái, nhiều thị trường đang chững lại hoặc không có tăng trưởng.
Riêng về xuất khẩu nông sản, cho tới nay nhiều mặt hàng vẫn đang phải xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô về đóng gói, bán ra thị trường theo thương hiệu của nhà nhập khẩu. Từ đó cho thấy xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, trong đó có nông sản là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài.
Theo Bộ Công thương, để xuất khẩu của Việt Nam bền vững, hiệu quả thì cùng với việc tận dụng cơ hội đến từ các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ... các doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa ngành hàng đầu tư cải tiến công nghệ để hàng hoá có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trở lại với vấn đề thương hiệu. Câu hỏi đặt ra là xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia cần bắt đầu từ đâu? Việt Nam đã có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nhiều mặt hàng nông sản Việt vẫn còn ở mức "khiêm tốn" khi chưa định hình, định danh trên thị trường quốc tế. Một dẫn chứng cho thấy, cùng là sầu riêng nhưng giống Musang King của Malaysia trồng tại Việt Nam đang được bán từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Trong khi giống sầu riêng RI6 của Việt Nam chất lượng được không hề thua kém nhưng giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/kg.
Theo giới chuyên gia, đây là sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và một sản phẩm chưa có thương hiệu, hoặc có nhưng thương hiệu chưa đủ mạnh.
Tới nay, Việt Nam có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn khi mà chưa xây dựng được thương hiệu thì cũng đồng nghĩa với việc chưa đạt hiệu quả cao khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Một điểm nữa cũng rất đáng phải suy nghĩ đó là tình trạng “tranh mua - tranh bán” vẫn diễn ra trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), chúng ta đang nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn thường trực khi ngay tại thời điểm này đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp, nhà máy chế biến điều trong nước mạnh ai nấy chạy đua nguyên liệu, tranh nhau làm giá khiến cho giá điều thô lên cao. Nói như Chủ tịch VINACAS Phạm Văn Công thì doanh nghiệp Việt đang “tự gõ vào chân mình" khi tự đẩy giá thành điều nguyên liệu cao hơn giá bán. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nhân bị thua lỗ hoặc không có lợi nhuận.
Muốn ra biển lớn thì phải đoàn kết để tạo nên sức mạnh, thay vì “thân ai người nấy lo”. Người ta vẫn nói rằng, muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Việc “tự gõ vào chân mình” có lẽ không chỉ riêng với ngành điều mà còn là bài học chung cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là câu chuyện không mới, nhưng đáng tiếc nó lại không hề cũ. Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trong xuất khẩu nông sản. Vì thế, đây chính là thời điểm quan trọng để nhìn nhận sự việc trên bình diện tổng thể, để từ đó bước qua được tư duy “làm lấy ăn cả” và phải thực hiện phương châm muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, thay vì tranh mua tranh bán để tự mình lại gõ vào chân mình.