Tư thương phía bên kia biên giới trong nhiều năm nay đã và đang thu mua nhiều chủng loại mặt hàng được coi là “kỳ lạ” từ phía Việt Nam. Tuy nhiên, thứ được coi “mua để làm gì” ấy, về lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống.
Vài năm trở lại đây, không chỉ địa bàn tỉnh Lai Châu, khu vực Tây Bắc nở rộ việc khai thác củ bình vôi, tập kết và mang bán sang biên giới. Với giá từ 1.000 đồng/kg, được đẩy dần thành 1.500, 2.000, 2.500 đồng/kg… cơ man các tấn củ bình vôi đã được người dân ven biên khai thác.
Củ bình vôi, theo tư thương Trung Quốc, sẽ được chế suất thành một loại chất để sản xuất thuốc ngủ. Cụ thể, nhãn tiền tại một cơ sở sơ chế bột bình vôi tại Kim Bình (Trung Quốc), ráp với địa bàn tỉnh Lai Châu, củ bình vôi được ngâm với nhiều loại thuốc hóa học (chỉ tư thương Trung Quốc nắm rõ công thức), sau đó củ bình vôi được nghiền nát, ngâm tiếp hóa học, sàng sấy và ra một loại bột mịn trắng tinh. Loại chất này kết hợp với một số chất liệu khác sẽ trở thành những viên thuốc ngủ, có thể được bán ngược vào Việt Nam.
Đó là câu chuyện làm ăn của tư thương Trung Quốc, song về phía Việt Nam, việc khai thác củ bình vôi đang hủy hoại nghiêm trọng đến môi trường rừng và đất. Rễ củ bình vôi ăn sâu vào lòng đất và lan với phạm vi rộng. Để khai thác một củ bình vôi, người dân phải đào sâu và xử lý sạch rễ, đồng nghĩa nhiều mảng rừng, đồi sẽ bị đào tung.
Nhiều loại thực vật, cây tầng thấp sẽ bị tiệt diệt. Xói mòn và sạt lở vì thế sẽ xảy ra. Với bà con các tỉnh vùng cao, một củ bình vôi 20,30 kg, là một ngày công quan trọng phục vụ cuộc sống thường nhật.
Tương tự cây thanh hao hoa vàng có thời nở rộ tại nhiều tỉnh phía Bắc. Đây là loại cây tăng trưởng nhanh, thành tố được chiết xuất từ cây sẽ được xuất chế thành thuốc chữa bệnh sốt rét, hoặc có tác dụng chữa trị một vài bệnh ung thư. Có lẽ từ tác dụng như vậy, nhiều đơn “đặt hàng” giá cao từ phía Trung Quốc “bay” về Việt Nam, khiến nhiều nhà nông bỏ ruộng trồng hao vàng, nhiều nghìn ha đất rừng phá bỏ trồng hao vàng.
Thuốc được sản xuất trước mắt, song đất đai đã trồng cây này về lâu dài tái sinh rất chậm. 3 năm trở lại đây, phía Trung Quốc không thu mua nữa, nhiều diện tích ruộng, rừng bỏ trống. Để tái tạo lại mất nhiều thời gian và tiền bạc, bù không đủ lỗ, khi nhiều loại hoa màu,cây, trồng trên đất thanh hao hoa vàng phát triển không thuận.
Ngoài ra, rễ, gốc cây tiêu ở Tây Nguyên, hạt chè ở Thái Nguyên, rễ cây rừng ở Gia Lai, đỉa ở Hóc Môn, lá rễ cây hồi ở Lạng Sơn, rễ râu ngô ở Hà Giang, dây đồng vụn, cây mật gấu… đều được thương lái Trung Quốc tận thu với giá cao, đổi lại môi trường đất, nước, không khí bị phá hoại. Lâu dài, đời sống kinh tế bị thiệt hại khó lường.
“Thương lái Trung Quốc mua móng trâu, bò rồi bán trâu bò giá cao cho Việt Nam. Họ mua cây mật gấu rồi bán rượu cây mật gấu cho người dân, mua rễ cây để phá hoại mùa màng rồi bán thành phẩm cũng loại đó vào nội địa… Thiệt hại về kinh tế là nhãn tiền, song nguy hại hơn đất đai bị sói mòn, rừng bị phá, sạt lở… Những nhân họa ấy còn khôn lường hơn bao giờ hết”, ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng 389 Quốc gia đánh giá.