Kinh tế

Thương mại điện tử thúc đẩy bán buôn, bán lẻ

H. Hương 13/01/2025 11:33

Nhu cầu mua hàng online không chỉ phổ biến. Đối với các mặt hàng tiêu dùng dạng nhu yếu phẩm hàng ngày, nếu trước đây, người dân thường mua bán trực tiếp tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì bây giờ, ngày càng có nhiều người tin dùng các cửa hàng online.

bai tren
Xu hướng mua hàng qua mạng được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: X.Ngọc.

Bán lẻ chạy đua chuyển đổi số

Theo ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số - Xã hội số (Bộ TTTT), Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ. Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống đang đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá trị gia tăng của lĩnh vực bán buôn hiện nay đạt khoảng 544.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 62% doanh thu bán buôn, bán lẻ, chiếm tỷ trọng khoảng 5% GDP.

Ông Trần Minh Tuấn cũng đã từng nhấn mạnh, cần chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ theo hướng đưa toàn bộ các hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thật lên môi trường số, nhằm tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị và hiệu quả cao hơn. Các mô hình thương mại điện tử đã nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng dựa trên phân tích dữ liệu lớn, dịch vụ dựa trên vị trí, ứng dụng di động và các dịch vụ kèm theo bên cạnh sản phẩm.

Hướng dẫn thúc đẩy chuyển đổi số thương mại bán buôn, bán lẻ cho các địa phương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số - Xã hội số đã giới thiệu các bước đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. Theo đó, lộ trình chuyển đổi số bán buôn được chia làm 3 giai đoạn (sẵn sàng, tăng trưởng, đột phá).

Ông Nguyễn Kiên - Trưởng phòng kinh doanh của Công ty Dear Nature cho biết, ngoài 16 showroom trên toàn quốc, doanh nghiệp còn đang bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki… “Hiện các kênh thương mại điện tử phân phối rất mạnh, doanh số tốt. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng hơn mảng phân phối này” - ông Kiên nói.

Ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, kiêm Giám đốc Điều hành kênh thương mại điện tử E2E (thuộc Tập đoàn KIDO) cho biết, kênh phân phối có vai trò quan trọng với doanh nghiệp. KIDO đã xây dựng đầy đủ kênh phân phối online, cụ thể là xây dựng hệ thống nền tảng mà người bán hàng, nhà sản xuất và người tiêu dùng tương tác trực tiếp với nhau. “Trước đây, thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đã trở thành chỉ dấu đưa hàng Việt Nam phát triển ở kênh offline thì nay cần đưa hàng Việt Nam lên kênh thương mại điện tử. Chúng ta cần chỉ dấu có tính quy mô, từ cơ quan Nhà nước, hiệp hội tổ chức để đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa hàng đến tay người tiêu dùng” - ông Bảo nói.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo số liệu khảo sát, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng. Với thị trường gần 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.

Bùng nổ livestream bán hàng

Để gia tăng doanh số bán hàng trên thương mại điện tử, các nhãn hàng cũng như người kinh doanh đang khai thác hiệu quả của livestream (phát trực tiếp - PV) và mạng xã hội.

Bà Lê Thị Nga - Giám đốc Sapo Social Commerce & Shipping, Công ty cổ phần Công nghệ Sapo cho hay: “Các buổi livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua minigame có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường.

Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, nhà bán hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng”.

Chính nghiên cứu của Sapo cũng nhận định về tình hình năm 2025, 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025. Vì vậy, đông đảo nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí: 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên.

Theo các chuyên gia, để bắt nhịp nhanh chóng với thị trường và đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, đảm bảo được lợi nhuận và chi phí không bị đội lên quá cao.

Báo cáo cũng cho biết, năm 2024, 33% nhà bán hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng.

Nhóm có doanh thu tăng trưởng tập trung tại Hà Nội và TPHCM (67%), quy mô nhân sự chủ yếu dưới 5 người, có mức doanh thu phổ biến vượt 500 triệu VNĐ/tháng, nhờ tận dụng tốt bán đa kênh và các hình thức quảng cáo trực tuyến. Ngành hàng thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm đóng góp tỷ lệ tăng trưởng cao nhất nhờ sức mua ổn định và chương trình khuyến mãi linh hoạt.

Hơn 80% nhóm có doanh thu tăng trưởng đang lạc quan và kỳ vọng thị trường tiến triển tốt trong năm 2025. Nhiều nhà bán hàng có kế hoạch phát triển các chiến lược mới như livestream chốt đơn, mở rộng kinh doanh trên nền tảng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương mại điện tử thúc đẩy bán buôn, bán lẻ