Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (gọi tắt là Công ty Bình Hà) được thực hiện ở vùng thượng nguồn của xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã vô tình chặn đứng dòng chảy từ các khe về hồ chứa nước của Nhà máy xử lý nước sạch Cẩm Xuyên.
Khe Đá Thâm – một trong 4 khe chính cung cấp nước cho Nhà máy xử lý nước sạch Cẩm Xuyên đã bị chặn đứng.
Việc cày xới đất trồng cỏ khiến cho nguồn nước về hồ bị đục ngầu mỗi khi mưa xuống. Nguồn nước sạch cung cấp cho 4.100 hộ dân và hơn 100 cơ quan, đơn vị, trường học vùng hạ du của huyện Cẩm Xuyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Bình Hà có quy mô 150.000 con, được triển khai trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với tổng diện tích hơn 5.000 ha, tổng vốn đầu tư 5.045 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 quy mô 30.000 con, tổng mức đầu tư 845 tỷ đồng; giai đoạn 2 quy mô 150.000 con, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng.
Tại xã Cẩm Quan, địa phương phải bàn giao cho Dự án này hơn 1.100 ha đất. Tuy nhiên đến thời điểm này Dự án mới lấy khoảng 400 ha đất để trồng cỏ, làm chuồng trại và nhà quản lý. Đây là dự án chăn nuôi lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, được triển khai từ tháng 5-2015, đến tháng 8-2015 tiến hành thả bò. Để triển khai dự án, thời gian qua, hàng nghìn m3 đất đá được vận chuyển về đây để thi công đường, hệ thống cơ sở hạ tầng, cùng với đó, hàng ngàn cây cối được đốn hạ để san lấp mặt bằng. Điều đáng nói là Dự án được triển khai ở khu vực thượng nguồn xã Cẩm Quan nên ảnh hưởng rất lớn đến người dân vùng hạ du, nhất là nguồn nước.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu rừng phòng hộ xã Cẩm Quan – vùng đầu nguồn dẫn lưu dòng nước về đập hồ chứa nước của Nhà máy nước sạch Cẩm Xuyên, anh Bùi Thanh Thủy, đội trưởng đội vận hành của nhà máy cho biết: “Thời gian qua, khối lượng đất đá mà Công ty Bình Hà tập kết về đây đã cản trở các dòng chảy nên việc sản xuất nước sạch gặp nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ thiếu nước sạch cho người dân là rất cao. Chắc chắn mùa hè năm 2016 này sẽ thiếu nước sạch cho bà con dùng”.
Được biết, nhà máy xử lý nước sạch tại Cẩm Quan có công suất 2.000 m3/ ngày đêm, cung cấp nguồn nước sạch cho hơn 4.100 hộ dân và 100 cơ quan, trường học của 2 xã Cẩm Quan và Thị trấn Cẩm Xuyên cùng một số thôn thuộc xã Cẩm Huy, Cẩm Quang. Việc Công ty Bình Hà thi công trên nền diện tích lớn của đất rừng Cẩm Quan đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nước sạch.
Có mặt tại Khe Đá Thâm- một trong 4 khe chính cung cấp nước cho Nhà máy xử lý nước sạch Cẩm Xuyên, chúng tôi tận mắt “mục sở thị” khe Đá Thâm đã bị Công ty Bình Hà đổ bê tông chắn ngang dòng chảy. Chỉ tay về phía con đập bằng đất đá nằm ngay bên khối bê tông được đổ kiên cố, anh Bùi Thanh Thủy cho biết, trước đó, Công ty Bình Hà cho máy ủi đất chắn ngang dòng chảy nhưng do dòng chảy quá mạnh, hai ba lần bị nước xói lở nên Công ty cho đổ bê tông cho chắc chắn.
Nói về những hệ lụy khi Công ty Bình Hà thực hiện Dự án mà nhà máy phải gánh chịu, anh Thủy nói: “Trước đây dù mưa to đến thế nào, kể cả lũ lụt thì nhà máy cũng xử lý được nước sạch cho dân dùng. Nhưng kể từ khi Công ty Bình Hà thực hiện Dự án đến nay, chỉ cần mưa nhỏ, nước chảy về hồ chứa có độ đục trên 1.000 NTU. Với độ đục này thì chúng tôi không thể xử lý được và phải ngừng sản xuất nước sạch cho dân. Chỉ tính riêng trong tháng 8-2015 (âm lịch), đã có 3 lần nhà máy phải ngừng sản xuất nước sạch cho dân vì trời mưa, nước về hồ quá đục không thể xử lý được. Hàng nghìn hộ dân không có nước dùng nên họ rất bức xúc. Trong khi trước đó chưa hề xẩy ra việc này”.
Ngoài ra, theo anh Thủy, khi Công ty Bình Hà xới đất, bón phân trồng cỏ không thông báo với nhà máy nên nhà máy rất bị động mỗi khi lấy nước sản xuất. Ông Trần Văn Bé - Giám đốc Chi nhánh cấp nước Cẩm Xuyên (Công ty cấp nước Hà Tĩnh) cũng khẳng định: “Khe chính đầu nguồn bị họ (Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà) chặn để lấy nước trồng cỏ nên chúng tôi không có nước để sản xuất nước sạch cho dân dùng, dẫn đến thiếu nước vào mùa hè. Nhiều hôm trời mưa nước đục ngầu nhà máy không thể sản xuất được phải tạm ngừng”.
Ngoài Khe Đá Thâm bị đổ bê tông chắn ngang dòng chảy, hầu hết các khe nhánh nhỏ đều đã bị Công ty Bình Hà đắp lại để sử dụng nguồn nước cho mục đích trồng cỏ. Không chỉ nguồn nước bị đục, về lâu dài, việc trồng cỏ để chăn nuôi bò trên quy mô rộng kéo theo đó là khối lượng lớn phân bò sẽ đặt ra nhiều vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của Nhà máy xử lý nước sạch Cẩm Xuyên và đời sống của bà con nhân dân.
Kể từ khi Dự án của Công ty Bình Hà đi vào hoạt động, người dân vùng hạ du, nhất là ở xóm 4, 5 và 6 xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước do Công ty gây ra. Phản ánh với PV Đại Đoàn Kết về vấn đề này, ông Trần Đình Ất (xóm 4 xã Cẩm Mỹ) cho biết: Nhà ông sống gần rào Vang Vang đã hơn 40 năm, con rào này nối trực tiếp qua Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà. Trước đây người dân hai bên rào Vang Vang lấy nước ở đây để tắm rửa, sinh hoạt mà không hề e ngại gì hết. Nhưng từ khi trang trại bò Bình Hà đi vào hoạt động thì nước ở rào trở nên đục ngầu.
“Khi mưa xuống, nước rào ngấm vào nước giếng của nhà tôi và hàng chục hộ dân ở xóm này đều bị ô nhiễm. Không biết nhiễm nước phân hay là do họ húc, họ cào trên đó nhưng nước rất hôi. Bây giờ chúng tôi không dám dùng nước giếng nữa mà đi xin của nhà khác để dùng” - ông Ất nói.
Những hệ lụy do Dự án chăn nuôi xây dựng ở vùng thượng nguồn đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của hàng nghìn hộ vùng hạ lưu của huyện Cẩm Xuyên. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ.