Thương về miền Tây

Trường Giang 26/06/2016 08:42

Người ta vẫn ví mảnh đất ấy tựa như một cô thôn nữ mộc mạc, chân chất nhưng lại duyên dáng và có sức hút đến lạ kỳ. Tôi cũng vậy, đi xa mới thấm thía, rằng mình đã yêu tất cả những gì thuộc về nơi này, từ dòng kênh rạch chằng chịt, hoa điên điển ruộm vàng trong nắng, yêu tiếng chèo khua nhẹ đến những mùa nước nổi đục ngầu đầy ắp cá tôm, đầy ắp những nụ cười… Và chẳng biết tự bao giờ dòng nước nổi gắn bó với người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long như không khí hàng ngày, như hồn vía đất của Chín

Anh Trường thân mến!

Thú thật với anh, sang đây cũng đã được gần 10 năm, thế nhưng bạn bè vẫn bảo, ông chẳng thể thay đổi được cái chất “Trời sinh cây cứng lá dai/Gió lay mặc gió chiều ai chẳng chiều”. Tôi thì tôi lại thích nhận xét như vậy. Tức là ăn cơm tây, thở khí trời tây, nhưng rặt trong con người mình vẫn hiện diện hai thái cực tềnh toàng, chân chất nhưng cũng không kèm phần dữ dội và phóng khoáng.

Anh biết không, năm đầu sang đây, cả ngày quăng quật mưu sinh, đêm về, miền Tây sông nước cứ dập dềnh trong trí nhớ. Người ta vẫn ví mảnh đất ấy tựa như một cô thôn nữ mộc mạc, chân chất nhưng lại duyên dáng và có sức hút đến lạ kỳ. Tôi cũng vậy, đi xa mới thấm thía, rằng mình đã yêu tất cả những gì thuộc về nơi này, từ dòng kênh rạch chằng chịt, hoa điên điển ruộm vàng trong nắng, yêu tiếng chèo khua nhẹ đến những mùa nước nổi đục ngầu đầy ắp cá tôm, đầy ắp những nụ cười…Và chẳng biết tự bao giờ dòng nước nổi gắn bó với người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long như không khí hàng ngày, như hồn vía đất của Chín rồng…

Thế mà anh ạ!

Mấy hôm nay nghe nói Đồng bằng sông Cửu Long đang có nguy cơ tan rã, lượng phù sa sẽ bị các đập thủy điện ngăn lại gần như vĩnh viễn. Đã là người sinh ra ở đất này chắc ai cũng hiểu, thiếu phù sa thì khó thể sản xuất hay làm bất cứ một việc gì. Tôi thật không thể hình dung một vùng đất trù phú, màu mỡ, đầy ăm ắp sản vật đồng quê, những dòng sông gắn liền hình ảnh ngầu đục phù sa giờ mà không còn nữa thì ĐBSCL sẽ ra sao?

Chuyên gia sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, mất phù sa sẽ dẫn đến sạt lở, tan rã ĐBSCL dần dần và sẽ không có cách nào khắc phục được. Mất phù sa đồng nghĩa mất nguồn dinh dưỡng thì đất sẽ bạc màu vĩnh viễn sau 20 năm, phân bón không thể thay thế. Phù sa như chiếc “áo giáp” che chở cho ĐBSCL. Nếu nhìn trên ảnh vệ tinh chúng ta sẽ thấy một dải nước đục ven biển, từ bờ ra khoảng 20km. Dãy nước đục này giúp cản năng lượng sóng. Nếu mất đi thì bờ biển sẽ bị sạt lở mạnh…

Anh Trường ạ, thực ra tôi không có chuyên môn về lĩnh vực này nên có tìm hiểu cũng chỉ biết được sơ sơ vậy, còn nguyên nhân và giải pháp để cứu ĐBSCL thì chẳng dám bàn gì. Tôi chỉ mạo muội cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu và xây đập thủy điện trên dòng Mê Kông là không thể tránh khỏi hệ lụy bởi theo các nhà khoa học khi các con đập này đi vào hoạt động, tình trạng mất cân bằng phù sa ngày càng tăng, nguy cơ tan rã ĐBSCL ngày càng lớn và quá trình này có thể chỉ mất vài trăm năm so với quá trình kiến tạo hàng ngàn năm.

Nhưng đó vẫn là câu chuyện của tương lai. Còn thực tế, phù sa giảm sẽ làm ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng tự nhiên cung cấp cho đất, đất bạc màu thì còn đâu những “vựa lúa”, “vựa tôm” để đất chín rồng cất cánh, để đời sống người nông dân được sung túc, no đủ…Vậy nên chúng ta phải làm gì để cứu vãn, được phần nào hay phần đó chứ. Như lời TS Lê Xuân Thuyên trăn trở, những gì đang diễn ra, xu hướng tan rã vùng châu thổ Mê Kông về lâu dài là chắc chắn và không thể tránh khỏi. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là hành động của chúng ta có làm thúc đẩy ngày đó đến sớm hay muộn hơn hay không hoặc có thể cố giữ được một phần đất nào đó?

Thư cũng đã dài, tôi xin dừng bút tại đây, mong sự hồi âm của anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương về miền Tây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO