Kinh tế

Thủy sản xuất khẩu rộng ‘đường bơi’

DUY KHANG 19/05/2024 09:20

Đi qua quý I/2024, nhiều doanh nghiệp thủy sản nhận định, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang các thị trường có dấu hiệu phục hồi khá rõ nét. Với những tín hiệu khả quan, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ở mức 9,5 - 10 tỷ USD hoàn toàn khả thi.

anhtomxk.jpg
Các sản phẩm thủy sản chế biến, giá trị gia tăng cao được nhiều thị trường đón nhận. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều tín hiệu vui

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp (DN) thủy sản, lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu đã giảm nên nhu cầu nhập khẩu bắt đầu tăng trở lại. Đây là cơ hội để thủy sản xuất khẩu phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới.

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, trong tháng 4/2024, sản xuất tôm thành phẩm của công ty tăng cao, đạt 2.130 tấn, tăng 50%; sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 1.435 tấn, tăng 22 %; doanh số chung đạt 16,32 triệu USD, tăng 17 % so cùng kỳ năm trước. Với đà tăng tích cực, hiện công ty đã hoàn tất thu hoạch tôm trong tháng 4, hiện tại đang chuẩn bị cho tiến trình thả nuôi vụ chính, chủ động nguồn nguyên liệu thực hiện các đơn hàng xuất khẩu.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, với kim ngạch đạt 285 triệu USD, không tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng xuất khẩu tôm trong tháng 4/2024 vẫn đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, ngành tôm mang về doanh số 971 triệu USD, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người tiêu dùng chưa thể hiện rõ nét khả năng hồi phục. Giá trung bình xuất khẩu tôm sang các thị trường vẫn ở mức thấp so với năm 2022 và 2023. Trong bối cảnh ngành tôm nước ta đang trong giai đoạn “phấp phỏng” trước những thông tin liên quan đến thuế chống trợ cấp, thì dường như những khó khăn với con tôm xuất khẩu vẫn chưa lùi xa.

Nhiều DN bày tỏ kỳ vọng, ở thời điểm này, Mỹ đang xét công nhận xem xét Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ có những kết quả tích cực giúp cho rào cản thuế chống trợ cấp được tháo gỡ, giải tỏa gánh nặng đối với các DN xuất khẩu tôm của nước nhà.

Ngoài mặt hàng tôm, con cá tra cũng đón nhận nhiều tín hiệu vui. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sau khi sụt giảm liên tục trong tháng 2 và tháng 3, xuất khẩu cá tra trong tháng 4 tăng 13% đạt 168 triệu USD.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ bộc lộ nhiều điểm sáng rõ nét nhất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.

Dự báo của Hiệp hội VASEP cũng cho thấy, năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.

Đẩy mạnh sản phẩm chế biến, giá trị gia tăng cao

Bên cạnh những thuận lợi, ngành thủy sản vẫn đối diện với không ít khó khăn. Các chuyên gia trong ngành dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi hải sản suy giảm. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân bị thu hẹp đáng kể.

Cũng khẳng định những nét khả quan của bức tranh xuất khẩu thủy sản, song VASEP thừa nhận, mức tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản vẫn chưa được như kỳ vọng, trong khi chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển liên tục tăng đã và đang tạo áp lực lớn lên vai các DN xuất khẩu thủy sản.

Bởi vậy, đại diện VASEP cho rằng, trước những thách thức, rào cản của thị trường xuất khẩu, DN thủy sản cần chủ động tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng để có thể hồi phục và bứt phá trong thời gian tới.

Trên thực tế, nhiều DN cũng đã chủ động để vượt qua những rào cản, tìm cách vững chân trên thị trường. Và nhờ sự chủ động đó, nhiều DN đã thu về được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, một số DN xuất khẩu thủy sản đã chú trọng đầu tư công nghệ, chú trọng vào việc đưa ra thị trường những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là với các thị trường khó tính như Úc, EU.

Theo chia sẻ của ông Kosaburo Kimura - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín (Bình Định), thời điểm này, công ty cũng đang ra mắt sản phẩm mới, đó là hai sản phẩm có nguồn gốc từ Bình Định, là tôm Việt Úc và cá diêu hồng ở hồ Định Bình. “Sản phẩm đó công ty cũng hướng tới sản xuất cho hàng giá trị gia tăng cao là mặt hàng sushi. Ngoài mặt hàng sushi còn có mặt hàng tẩm bột" - vị này cho hay.

Có thể thấy, với việc đẩy mạnh các sản phẩm chế biến, nhiều DN xuất khẩu thủy sản đã và đang tập trung gia tăng các sản phẩm có hàm lượng chế biến cao đưa đến các thị trường khó tính và được người tiêu dùng đón nhận.

Cùng với đó, các động thái tích cực của Chính phủ như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cũng đã tạo điều kiện, hỗ trợ DN thủy sản xuất khẩu thuận lợi hơn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính, giới chuyên gia khuyến cáo, các DN thủy hải sản Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên; thường xuyên cập nhật các quy định của địa bàn, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác hàng hóa…; tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, tăng cường quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tăng sự hiện diện hàng hóa Việt Nam tại thị trường quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì ổn định chất lượng hàng hóa, chủ động xây dựng thương hiệu để giữ uy tín với đối tác quốc tế.

Ngoài ra, cần thận trọng thẩm tra thông tin đối tác trước khi ký kết, giao nhận hàng hóa và thanh toán, tránh rủi ro trong giao dịch kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủy sản xuất khẩu rộng ‘đường bơi’