Để bình ổn giá thịt lợn thì tới thời điểm này tái đàn vẫn được xem là biện pháp gốc rễ và bền vững.
Suốt nhiều tháng qua, các giải pháp tình thế như kêu gọi các DN lớn giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, nhập khẩu thịt lợn, kiểm soát “cắt bớt” khâu trung gian chuỗi cung ứng... nhằm kéo giảm giá thịt lợn, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá đắt đỏ.
Trong tất cả các cuộc họp bàn tìm giải pháp ổn định giá thịt lợn, Bộ NNPTNT luôn nhấn mạnh, để giảm giá thịt lợn hiện nay, giải pháp gốc rễ vẫn là tập trung, tái đàn, tăng đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi. Người đứng đầu Bộ NNPTTN Nguyễn Xuân Cường nhận định, hiện ngành chăn nuôi đang ở thời điểm “vàng” để thực hiện tái đàn lợn, bởi dịch tả lợn châu Phi đã lắng xuống. Các đối tượng chăn nuôi từ nhỏ lẻ hay quy mô lớn đều có kinh nghiệm áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học được rút ra từ “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi vừa qua.
Bên cạnh đó, mặc dù dịch tả lợn châu Phi “càn quét” từ tháng 2/2019 đến đầu năm 2020, nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn giữ được 109.000 con lợn cụ, kỵ, ông, bà và gần 2,7 triệu con lợn nái là cơ sở rất tốt cho việc tái đàn thời gian tới. Một yếu tố nữa khiến ngành chăn nuôi Việt Nam tự tin cho việc tái đàn, đó là vẫn duy trì đảm bảo được 20 triệu tấn cám. Hệ thống thú y, dịch vụ nhiều mặt về chăn nuôi vẫn đảm bảo.
“Theo tốc độ tái đàn lợn quý I/2020 vừa qua chúng ta đạt 6,3% so với cuối năm 2019, đạt 24 triệu con. Với đà này chúng tôi nhận định quý III đầu quý IV/2020 chúng ta sẽ đạt số lượng đàn lợn bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018. Lúc đó chúng ta có đủ khối lượng lợn để cung cấp cho thị trường”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tin tưởng.
Tuy nhiên, các chủ trang trại chăn nuôi lợn cho rằng, việc khôi phục sản lượng đàn lợn cần có thời gian chứ không chỉ trong ngày một, ngày hai bởi tốc độ tái đàn chưa đạt như mong muốn. Mặt khác, lợn sau khi được các DN chăn nuôi lớn xuất bán tại các trang trại là 70 nghìn đồng/kg, nhưng ra khỏi cổng thì thương lái có thể bán với giá cao hơn 10 nghìn đồng/kg; còn khâu giết mổ, phân phối, vận chuyển..., đã đẩy giá lợn móc hàm lên khoảng từ 100 nghìn đến 115 nghìn đồng/kg. Rồi đến “khâu cuối” là tiểu thương lại tự ý nâng giá để kiếm lợi nhuận. Khâu trung gian hiện vẫn chiếm khoảng 40% giá thành, dẫn đến giá thịt lợn bán lẻ cho người tiêu dùng chưa thể xuống mức hợp lý được. Đây là bài toán mà các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm tìm ra lời giải trong thời gian tới.
Và với giải pháp được xem là bền vững, các tỉnh, thành phố trong cả nước cần tiếp tục tái đàn có kiểm soát, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh để tăng mạnh nguồn cung, nhằm sớm bình ổn giá thịt lợn trên thị trường.