Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh phong

THANH MAI 07/05/2023 07:54

Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong từ năm 1995 với tỷ lệ lưu hành là 0,9/10.000 dân số. Mặc dù vậy, đây vẫn là căn bệnh truyền nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan. Trong năm 2022, cả nước phát hiện 50 trường hợp mắc mới căn bệnh này. Mới đây, tại Sơn La cũng phát hiện những người mắc bệnh phong.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân phong tại tỉnh Sơn La.

Trong đợt khám điều tra dịch tễ bệnh phong của Bệnh viện Da liễu Trung ương tại xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) mới đây, các bác sĩ đã phát hiện một ca bệnh phong mới. Cụ thể, bệnh nhân nữ, 39 tuổi, có tổn thương da hướng đến phong thể u, bệnh nhân có mất cảm giác tay, chân trong 6 tháng nay và chưa có tàn tật phong.

Ngoài xã Chiềng Bằng, chương trình khám và điều tra dịch tễ bệnh phong của Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng triển khai tại xã Chiềng Khay thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La nhằm phát hiện những bệnh nhân phong tiềm ẩn trong cộng đồng.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 46 tuổi, ở Lạng Sơn, được chẩn đoán mắc bệnh phong thể u cục. Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất của bệnh phong. Hai năm trước, nữ bệnh nhân này bỗng xuất hiện nhiều sẩn cục lan tỏa ở tay, chân và trên cơ thể. Các sẩn cục này không gây ngứa, không làm rối loạn cảm giác hay vận động. Thậm chí, các sẩn cục này còn dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh da khác như nhiễm lao hay mycobacterium không điển hình, u lympho ở da.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều trường hợp mắc bệnh phong không được chẩn đoán và điều trị kịp thời do tổn thương trên da không điển hình bệnh phong mà rất giống với các bệnh da khác.

PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, người bệnh phong thường đi khám ở nhiều chuyên khoa, nhiều cơ sở điều trị khác nhau rồi mới đến chuyên khoa da liễu. Do đó đa số các trường hợp phát hiện bệnh muộn. Điển hình như trường hợp một cụ ông ở Hà Nội điều trị ròng rã 3 năm với chẩn đoán mắc lupus ban đỏ nhưng bệnh tình vẫn tái diễn, chỉ đến khi khám tại chuyên khoa da liễu, các bác sĩ mới tìm ra căn bệnh chính xác mà ông mắc phải là bệnh phong. Một số trường hợp khác được phát hiện ở nơi đô thị đông dân cư nên khó khăn trong việc tìm rõ nguồn lây, khoanh vùng tiếp xúc, điều trị…

Việc phát hiện sớm người bệnh phong và điều trị ngay thì nguồn lây gần như bị cắt đứt. Sau khi người bệnh kết thúc giai đoạn điều trị thì trong 3-5 năm tiếp theo, bệnh nhân và người xung quanh họ vẫn nằm trong diện giám sát nguồn lây để kịp thời phát hiện sớm ca mắc.

BS Doanh chỉ ra một số điểm cần lưu ý ở bệnh phong: Là bệnh truyền nhiễm, mức độ lây lan chậm, thời gian ủ bệnh có thể 5 năm đến 10 năm sau khi tiếp xúc với nguồn lây mới có biểu hiện bệnh. Nguồn lây bệnh chủ yếu của bệnh phong là qua đường hô hấp và tiếp xúc qua da. Tuy nhiên, khả năng lây lan bệnh phong khó hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác. Khi phát hiện được người bệnh phong thì ngay từ liều thuốc điều trị đầu tiên đã có thể cắt đứt nguồn lây của bệnh. Việc khống chế bệnh lây lan là hoàn toàn có thể.

Chính vì vậy, BS Doanh khẳng định việc khám, phát hiện sớm ca bệnh phong mới là rất cần thiết. Một số dấu hiệu điển hình của bệnh phong như: Tổn thương da thay đổi màu sắc (trắng, thẫm, hồng...) hoặc các mảng đỏ, u da kèm theo có rối loạn/giảm mất/cảm giác (nóng, lạnh, đau, xúc giác), bề mặt tổn thương thường khô, bóng. Dáy tai dày, bóng, rụng lông mày. Tê bì, mất cảm giác tay, chân.

Các bác sĩ cho biết bệnh phong tuy không nguy hiểm chết người, nhưng để lại di chứng tàn tật nặng nề, là cội nguồn của kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh. Đây là bệnh truyền nhiễm có thời gian ủ bệnh dài. Có thể 5 năm đến 10 năm sau khi tiếp xúc với nguồn lây, cơ thể mới có biểu hiện bệnh. Nguồn lây bệnh chủ yếu của bệnh phong là qua đường hô hấp và tiếp xúc qua da.

Về biểu hiện đa dạng của căn bệnh, BS Trần Mẫn Chu - nguyên trưởng Khoa Huyết học - Sinh hóa - Giải phẫu bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương), cho hay trên lâm sàng tổn thương da ban đầu của bệnh nhân giống biểu hiện lupus ban đỏ hệ thống. Thậm chí, khi vào viện, tổn thương trên da không điển hình bệnh phong mà rất giống với các bệnh da khác gồm cả bệnh ác tính, bệnh da tự miễn, hay dị ứng.

Tại Việt Nam, các ca bệnh phong mới ghi nhận có những biểu hiện lâm sàng đa dạng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh hệ thống hay bệnh da ác tính khác, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị. Cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc. Nếu người bệnh đã bắt đầu điều trị thì khả năng truyền bệnh của họ giảm tới 99%. Tỉ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2-3%. Bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi.

Hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị bệnh phong rất hiệu quả, do đó tỉ lệ mắc phong tại Việt Nam hiện nay rất thấp, nên nhiều trường hợp mắc bệnh phong bị chẩn đoán muộn, để lại di chứng tàn tật nguy hiểm cho bệnh nhân và có thể tạo thành các ổ bệnh nguy hiểm trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh phong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO