Với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, thời gian qua, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc bằng việc làm chủ nhiều kỹ thuật, dần tiến đến tiệm cận với sự phát triển của y học thế giới.
Đầu tháng 9/2023, bé M. 6 tuổi (quê Hưng Yên), trở thành em bé đầu tiên ở Đông Nam Á được phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não, lập bản đồ vùng sinh động kinh. Ê-kíp thực hiện là bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương cùng đoàn chuyên gia phẫu thuật động kinh của Bệnh viện trẻ em Alabama (Mỹ) phối hợp thực hiện. Đây là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật, thực hiện thành công kỹ thuật mới này.
Theo các chuyên gia đến từ Mỹ, đây là kỹ thuật phức tạp liên quan nhiều vùng chức năng giải phẫu, cũng như tâm sinh lý của bệnh nhân sau mổ với hiệu quả tuyệt đối. Trẻ cũng không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ.
Đáng nói, nếu như tại Mỹ, riêng chi phí phẫu thuật cho một ca như trên là khoảng 150.000 USD (tương đương hơn 3,5 tỷ đồng) chưa kể chi phí cho quá trình điều trị và thuốc thì tại Việt Nam, 1 ca chỉ tốn tối thiểu khoảng 1 tỷ đồng, chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
Trong khi đó, các y bác sĩ Trung tâm Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Nhi trung ương) đã ứng dụng thành công nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật cao vào khám, chữa bệnh như: Ghép gan, cắt khối tá tụy, cắt u sau phúc mạc, u tuyến thượng thận, điều trị nang ống mật chủ, teo thực quản… góp phần đưa ngành Ngoại Nhi Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực, giúp nhiều trẻ em không phải đi nước ngoài chữa trị, nhiều bệnh nhi đứng trước “cửa tử” được mở ra cuộc đời mới.
Đến nay, phẫu thuật nội soi tại Trung tâm Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Nhi trung ương) đã được thực hiện thường quy với khoảng 80% tổng số các ca phẫu thuật. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ca phẫu thuật điều trị bệnh lý như: Nang ống mật chủ, teo thực quản, thoát vị hoành, tắc tá tràng, xoắn trung tràng, phình đại tràng bẩm sinh… đều được thực hiện thông qua phẫu thuật nội soi.
Trong năm 2023, Trung tâm này đã thực hiện thành công hơn 5.000 ca mổ trong năm 2023, trong đó có 2.541 ca mổ cấp cứu và 2.643 ca mổ phiên, đem lại hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhi và gia đình. Thực hiện thành công các ca phẫu thuật phức tạp như: Ghép gan, cắt gan lớn theo giải phẫu, cắt khối tá tụy, phân lưu cửa chủ, cắt u sau phúc mạc có yếu tố nguy cơ chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng, phẫu thuật điều trị vô hạch toàn bộ đại tràng, chính là niềm tự hào đáng khích lệ của tập thể đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm.
Đáng chú ý, tháng 10/2023, ca ghép gan trẻ em thứ 50 của Bệnh viện Nhi trung ương cho bệnh nhi G.H. (3 tuổi) đã được thực hiện thành công tốt đẹp.
Ca phẫu thuật diễn ra với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa. Sau 9 giờ tập trung cao độ, ê-kip phẫu thuật đã ghép gan cho bé thành công trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình bệnh nhi và y bác sĩ của Trung tâm. Bởi vì mới chỉ vài năm trước đó thôi, phẫu thuật ghép gan cho trẻ em dường như vẫn còn là một khó khăn, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua.
Đến nay, bằng sự tận tâm và những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hành trình dài nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi trung ương đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan và trở thành đơn vị có số ca ghép gan trẻ em nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm đã phẫu thuật thành công 17 trường hợp ghép gan từ người cho sống cùng huyết thống cho bệnh nhi bệnh gan mạn giai đoạn cuối, cân nặng thấp.
Việc các thầy thuốc Bệnh viện Nhi trung ương, làm chủ kỹ thuật ghép gan không chỉ có ý nghĩa cứu sống người bệnh, mà còn khẳng định quyết tâm của Ban Giám đốc, y bác sĩ Trung tâm Ngoại tổng hợp và toàn bệnh viện trong việc phát huy thế mạnh tập thể, tập trung phát triển kỹ thuật cao phục vụ sứ mệnh khám, chữa bệnh cho trẻ em với chất lượng tốt nhất, bệnh nhi và gia đình không cần ra nước ngoài vẫn được hưởng các dịch vụ, kỹ thuật tiên tiến thế giới tại Việt Nam.
Ngày 15/5/2023, Bệnh viện Nhi trung ương đã vượt qua nhiều thách thức để phẫu thuật thành công loại bỏ u tuyến thượng thận hai bên cho bệnh nhi 14 tuổi. Đây là ca bệnh hiếm gặp tại cả Việt Nam và trên thế giới, cũng là trường hợp đầu tiên từ trước tới nay được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.
PGS.TS Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Thời gian qua đã ghi dấu sự phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực của các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương. Để có được những thành công này, bên cạnh sự cố gắng của các nhân viên y tế là sự đồng hành của các đồng nghiệp trong và ngoài bệnh viện, sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Y tế, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, sự hợp tác của các chuyên gia trong, ngoài nước. Trong thời gian tới, các bác sĩ sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển kỹ thuật để vượt qua các rào cản và khó khăn về kỹ thuật, mang lại sự sống cho các em nhỏ và các giải pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho trẻ em Việt Nam, đúng như khẩu hiệu “Tận tâm - Chất lượng - Vì sức khỏe trẻ em Việt Nam”.
Đáng lưu ý, trong dịp Tết vừa qua, thành công đến từ ca ghép phổi cho thiếu nữ 21 tuổi (quê ở Bắc Kạn) tại Bệnh viện Phổi trung ương đã đánh dấu mốc lớn, ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc bệnh viện. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng. Đặc biệt, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.
Sự thành công của các ca ghép phổi thời gian qua cho thấy, Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng. Đây là thành tựu tiêu biểu của ngành y tế Việt Nam, mang lại những giá trị to lớn cho sức khỏe của người bệnh và nhân dân.
Ngay trong những ngày đầu năm 2024, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ đã liên tiếp thực hiện thành công 2 ca can thiệp tim bào thai. Được biết, đây những là ca phẫu thuật đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Việc thông tim thai nhi chỉ mới xuất hiện trong 5 năm và chỉ có một số quốc gia như Brazil và Ba Lan thực hiện thành công. Ngày 18/2, một trong số 2 bệnh nhi nói trên đã được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình cùng toàn thể lãnh đạo, nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng 1.