Hiện tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt hơn 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Con số này sẽ đóng góp khoảng 59% GDP cả nước.
Sôi động đầu năm
Ngành bán lẻ cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Đầu tháng 2 vừa qua, Central Pattana - một thành viên của Central Group (tập đoàn đa ngành hàng đầu Thái Lan) vừa chính thức thành lập pháp nhân tại Việt Nam với tên gọi Công ty TNHH CPN Global. Các thông tin ban đầu cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia mà đơn vị này đang nhắm đến do sự tương đồng về văn hóa, hành vi tiêu dùng và đã có nền tảng từ hệ thống bán lẻ của Central Group.
Nói về thị trường bán lẻ, nhiều tên tuổi lớn được kể ra bao gồm các doanh nghiệp đến từ nước ngoài như Central Retail, AEON, Lotte và các doanh nghiệp nội như Vincom Retail và SonKim Retail.
Thời gian gần đây các tập đoàn lớn trong ngành bán lẻ như Central Group, AEON Mall cũng công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh tại các tỉnh, thành phố. AEON khai trương “siêu thị linh hoạt” tại Bình Dương. Chưa kể cũng trong năm 2024 này, AEON Mall Huế sẽ được đưa vào hoạt động với gần 138.000m2 diện tích sàn.
Còn với doanh nghiệp nội, mới đây, tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã chia sẻ chi tiết về định hướng năm 2024 ở Thiso (Tập đoàn sở hữu, kinh doanh và quản lý vận hành các bất động sản với mô hình “Một điểm đến - nhiều tiện ích, dịch vụ”) rằng, tiếp tục đưa vào hoạt động giai đoạn 2 của Trung tâm thương mại Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích. Xây dựng và hoàn thiện để đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Thiso Mall Tây Hồ Tây đầu tiên tại Hà Nội, tại Biên Hòa - Đồng Nai và Trung tâm thương mại thứ 4 tại TPHCM trong đầu năm 2025.
Tận dụng cơ hội
Chia sẻ với báo giới, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội nhận định: Tính từ giai đoạn sau dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng với sức hút mạnh mẽ. Sự gia tăng trong sức tiêu dùng nội địa được xem là một trong các yếu tố thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các thương hiệu quốc tế đối với thị trường này.
Cũng theo bà Minh, một yếu tố quan trọng khác tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam là so với các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra một cơ hội lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt khi họ tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại đây.
Trong đó, Hà Nội đang thu hút sự chú ý như một điểm nóng cho sự phát triển của bán lẻ nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, mật độ dân số cao, số lượng hộ dân có thu nhập trung bình gia tăng đi kèm lực lượng trong độ tuổi lao động lớn. Các yếu tố nền tảng mạnh mẽ này đã tạo nên nhu cầu khổng lồ về bán lẻ đối với thị trường Thủ đô.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhìn nhận, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch… Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định.
Dự báo về thị trường bán lẻ 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bán lẻ nội địa là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%.
Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều dư địa để phát triển.