Việc thực hiện thành công chiến lược vaccine “đi sau về trước” đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt. Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, giống như những “mảnh ghép” cuối cùng.(Xem tiếp tr.4+5)
Số trẻ mắc Covid-19 tăng cao
Dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp khi liên tiếp 6 ngày qua (từ 19/2 đến 24/2), số ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam đã vượt mốc 40.000 F0/ngày và có xu hướng tăng mạnh. Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 51.968 ca/ngày. Đặc biệt là trong 2 ngày gần đây, số ca mắc đều trên mức 60.000 ca. Số ca mắc tăng nhanh dẫn tới số trường hợp trẻ em mắc Covid-19 cũng có chiều hướng tăng nhanh trên phạm vi cả nước.
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho biết, tính từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, trong đó 8% trẻ từ 6-12 tuổi. Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ dưới 18 tuổi mắc Covid-19 tử vong, chiếm 0,42% tổng tử vong chung, trong đó 0,1% là trẻ từ 6 - 12 tuổi.
TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin: Dữ liệu cập nhật của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương qua Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các Bệnh viện Nhi đồng cho thấy, số lượng trẻ em mắc Covid-19 đang tăng theo thời gian.
“Trước đó, các phụ huynh giữ gìn nên số lượng trẻ mắc Covid-19 không cao như nhóm người lớn. Nhưng hiện nay, số người lớn nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng rất nhanh kéo theo tỷ lệ mắc ở trẻ cũng tăng” – TS Thái cho hay.
Cấp thiết tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng vẫn xảy ra trường hợp nặng, nguy kịch và thậm chí tử vong.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số 611 ca là trẻ em mắc Covid-19 được điều trị có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương, 66 ca điều trị nội trú, trong đó có 5 ca tử vong. Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tổng số các ca mắc Covid-19 điều trị tại đây, trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 9,5%, trong đó 21 trường hợp nặng và nguy kịch, chiếm 3,4%.
Đáng chú ý, qua theo dõi điều trị, các bác sĩ đã ghi nhận một số trường hợp có biến chứng rất quan ngại như viêm đa hệ thống (MIS-C) - biến chứng nguy hiểm thường xuất hiện sau khi trẻ mắc Covid -19 khoảng 2-6 tuần gây tổn thương nhiều cơ quan khiến trẻ phải nhập viện.
Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tuổi trung bình ở trẻ mắc MIS-C là 8-9 tuổi, hơn nửa số trẻ mắc trên 5 tuổi. Đến nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu để biết rằng liệu một trẻ đang mắc Covid-19 có bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy trẻ chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 có nguy cơ mắc MIS-C cao hơn so với trẻ đã được tiêm vaccine. Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, cơ sở này đã điều trị cho 16 trẻ mắc MIS-C, đều dưới 11 tuổi và chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.
Khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho trẻ mà còn giảm sự lây nhiễm. Đặc biệt, hiện qua theo dõi, với biến chủng Omicron thì lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em, nhất là các em nhỏ chưa được tiêm chủng. Việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng làm giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng và chưa đến tuổi tiêm chủng”.
Tỷ lệ đồng thuận của người dân ở mức cao
Khi được hỏi về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, chị Phạm Thùy Linh (40 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi đồng tình với việc nhà nước triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ nhỏ. Bản thân tôi cũng có con đang học lớp 5, nếu được tiêm, tôi sẽ cho cháu đi tiêm ngay”.
Một trường hợp khác, anh Phạm Tiến Dũng (45 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi không ủng hộ việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ, bởi lo lắng về tác dụng phụ của vaccine, trong khi đó trẻ em mắc thì thường là nhẹ, không triệu chứng. Nhưng thời gian qua, theo dõi báo đài tôi thấy nhiều di chứng kéo dài, nặng nề cho các cháu sau khi mắc Covid-19. Hiện giờ suy nghĩ của mình cũng thay đổi, vì thấy nguy cơ từ việc mắc Covid-19 cao hơn so với nguy cơ của việc tiêm vaccine”.
Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước xung quanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, kết quả khảo sát nhận thức về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời điểm hiện nay, 78% ý kiến cho rằng việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi là “rất cần thiết, cần tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em càng sớm càng tốt”; coi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em giống như tiêm các loại vaccine thông thường (ho gà, uốn ván, lao, sởi...)”. Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 76%.
Chỉ có 3% ý kiến cho rằng họ “không sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng Covid-19”.
Kết quả thăm dò về mức độ sẵn sàng đưa trẻ em từ 5-11 tuổi đi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho thấy đại đa số ý kiến (81%) cho rằng họ “sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng Covid-19” nếu ngành y tế tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới. Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 80%.
Tỷ lệ “do dự hoặc chưa muốn đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng Covid-19” là 12%. Chỉ có 3% cho rằng họ “không sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng Covid-19”.
Đặc biệt, trong số những người sẵn sàng đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng Covid-19, đa số ý kiến (70%) cho biết họ sẵn sàng cho con, cháu đi tiêm vì: Mong muốn con, cháu mình được an toàn trước dịch bệnh, nếu có mắc bệnh cũng nhanh khỏi, không bị nặng.
PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Nhiều nước đã triển khai
Vaccine Pfizer lấy vật liệu chính là các ARN thông tin (mRNA); đi vào trong bào tương tế bào miễn dịch; phối hợp cùng các ribosom tạo ra các protein S. Các protein S ra ngoài cùng các tế bào miễn dịch khác tạo các kháng thể chống đỡ vaccine; các ARN thông tin này chỉ vào bào tương của tế bào; không xâm nhập vào nhân tế bào, nơi chứa các vật liệu di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.
Sự an toàn của loại vaccine này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vaccine cũng đã cấp phép khẩn cấp vaccine cho nhóm tuổi này. Đã có 60 nước chỉ định vaccine này cho trẻ em.
Những ảnh hưởng ngay lập tức trong vòng 5-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.
Trong thời gian vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiêm chủng cho nhóm tuổi từ 12-18 tuổi, thấy rằng sự đồng thuận của cha mẹ cũng như phản ứng của các cháu rất tốt về tâm lý. Vì vậy trong thời gian tới đây, ngoài việc chuẩn bị về số thuốc, về dây chuyền tiêm… chúng ta phải có vai trò nữa là truyền thông, để bố mẹ các cháu đồng thuận đưa các cháu đi tiêm.
TS.Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Mũi tiêm an toàn
Đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau, đặc biệt là tới đây chúng ta tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, theo hướng dẫn từ nhà sản xuất, trẻ từ 5 - 11 tuổi sử dụng vaccine với liều 10 microgram, bằng 1/3 so với người lớn và thanh thiếu niên. Liều thứ hai tiêm sau liều đầu tiên ít nhất 8 tuần.
Trẻ em từ 5 - 11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm. Có thể nói, tiêm cho trẻ em liều 10 microgram gần như không có các phản ứng phụ bất lợi, nên được đánh giá là mũi tiêm an toàn.
Theo số liệu hiện tại từ các nước đã tiêm vaccine cho trẻ em ở độ tuổi tương tự, ngoài sốt, sưng đau tại chỗ, mệt mỏi 1 - 2 hôm thì không có trường hợp gặp biến cố bất lợi nào ghê gớm hay viêm cơ tim.
Tuy nhiên, trẻ em sau khi tiêm có thể đau, khóc, nhưng do mải chơi mà không thông báo cho người lớn về các phản ứng của cơ thể. Do đó, khi tiêm cho trẻ, các nhân viên y tế cần cẩn trọng hơn, dặn dò gia đình theo dõi dấu hiệu triệu chứng sau tiêm.
Đức Trân(ghi)