Trên thế giới, mỗi năm có 604.000 ca mắc mới, khoảng 342.000 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, số người mắc ung thư cổ tử cung cũng rất cao, khoảng hơn 4.100 ca vào năm 2020. Trong đó virus Human papilloma virus (HPV) được phát hiện trên 99,8% số ca ung thư cổ tử cung.
Đáng chú ý, HPV không chỉ là tác nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung, BS Nguyễn Anh Tuấn (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) thông tin, có tới hơn 100 chủng virus HPV, hầu hết đều vô hại với người nhiễm. Trong đó, có hơn 40 chủng HPV lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng đến các bộ phận sinh dục và hậu môn
“HPV phổ biến đến mức mà các đối tượng quan hệ tình dục dù là nam hay nữ đều lây nhiễm tại một số thời điểm nào đó trong đời. Có nhiều type HPV khác nhau. Trong đó có một số type có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục”- BS Tuấn cho hay.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viên đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cũng cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 10% dân số, tức 10 triệu người đang bị nhiễm HPV. Tỷ lệ nhiễm HPV hiện đang gia tăng ở các bạn trẻ và người có nhiều bạn tình.
“HPV rất nguy hiểm bởi nó không chỉ gây ung thư cổ tử cung mà còn có thể gây ung thư âm đạo, âm hộ ở nữ, nam giới cũng có thể nhiễm HPV và đối mặt với ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng có thể gặp ở cả hai giới. Mỗi năm, thế giới có khoảng 3.600 ca ung thư dương vật” - chuyên gia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mụn cóc sinh dục, trong đó phổ biến nhất là sùi mào gà cũng có nguyên nhân từ HPV, PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương lý giải: Thông thường khi virus xâm nhập vào, cơ thể sẽ sinh ra miễn dịch để chống đỡ nhưng chỉ trường hợp có miễn dịch đủ khoẻ mới có thể tiêu diệt hoàn toàn virus. Các trường hợp còn lại, virus vẫn có thể lẩn tránh được trong cơ thể, khi gặp điều kiện thuận lợi là bùng trở lại, qua thời gian gây tổn thương tế bào hay đột biến tạo thành các khối u. Một người có thể ủ virus HPV trong thời gian dài, đến khi có các triệu chứng của mụn cóc sinh dục mất vài tuần, vài tháng hay nhiều năm, với ung thư còn lâu hơn nữa. Riêng với mụn cóc sinh dục, có thể có một hay nhiều nốt với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau, phổ biến nhất là sùi mào gà do virus HPV6 gây ra và herpes sinh dục. Chỉ tính riêng sùi mào gà, mỗi năm Bệnh viện Da liễu trung ương khám và điều trị cho khoảng 7.000 - 8.000 trường hợp. Sau mỗi năm, số ca mắc mới tăng thêm khoảng 10%. Độ tuổi mắc nhiều nhất từ 15-49. Đặc biệt, việc chữa trị sùi mào gà cần nhiều lần và không thể diệt tận gốc virus HPV. Khi mắc sùi mào gà, đồng nghĩa virus ở trong cơ thể suốt đời, khi hệ miễn dịch suy yếu là phát triển trở lại.
BS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng ngừa virus HPV là luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, nên quan hệ chung thủy một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục khi đang có mụn cóc.
Để giúp ngăn ngừa mụn cóc lây lan cần tránh chạm vào mụn cóc khi không cần thiết, rửa tay sau khi chạm vào mụn cóc, tránh dùng chung khăn tắm và các vật dụng cá nhân khác.
Tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tổn thương do nhiễm virus HPV hoặc phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở cổ tử cung - dấu hiệu tiền ung thư. Nên tiêm vaccine phòng HPV cho nữ giới từ 9 - 26 tuổi để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và các dạng ung thư khác, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể tiêm loại vaccine này để phòng ngừa nguy cơ nhiễm HPV dẫn tới ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi, ung thư đường sinh dục nam giới.
Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyến cáo, hiện nay đã có vaccine phòng ngừa được các bệnh lý ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, ung thư âm hộ/âm đạo, u nhú sinh dục… do virus HPV.
Tiêm vaccine ngừa HPV là cách duy nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Đồng thời, tiêm vaccine cũng là giải pháp nhằm tăng miễn dịch cộng đồng, làm giảm tỷ lệ virus HPV lưu hành trong cộng đồng.
Hiện tại, miễn dịch cộng đồng HPV cho nam lại đang phụ thuộc vào việc bao phủ vaccine ở nữ do tỷ lệ tiêm vaccine HPV ở cho nam giới còn rất thấp. Đặc biệt, nam giới có tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh thấp sau nhiễm HPV tự nhiên, tỷ lệ thải loại HPV thấp hơn 26% so với nữ. Không chỉ nữ giới mà nam giới cũng rất cần tiêm vaccine phòng các căn bệnh ung thư gây ra do virus HPV đang ngày càng tăng cao.