Xung quanh vấn đề đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và phát triển.
PV:Thưa anh, là một nhà nghiên cứu quan tâm nhiều đến mô hình gia đình Việt Nam hiện nay, anh quan niệm thế nào về nhà dưỡng lão-tuy không còn mới mẻ nhưng cũng không hoàn toàn là một xu hướng cởi mở so với xã hội truyền thống Việt Nam?
Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh: Dư luận xã hội còn chưa thật thoải mái với loại hình nhà dưỡng lão vì cho rằng đó là mô hình của xã hội phương Tây, coi người già là tầng lớp dư thừa, ăn bám xã hội, trái ngược với những quan niệm, triết lý về đạo hiếu, tinh thần trọng lão, trọng xỉ của dân tộc. Tất nhiên nếu chúng ta áp dụng bất kỳ một mô hình thuần túy của phương Tây thì sẽ đi ngược lại văn hóa truyền thống và tình cảm của người Việt. Nhưng nếu có một sự kết hợp hài hòa, một cách nhìn khoa học và sáng tạo trong xây dựng nhà dưỡng lão theo tinh thần Việt thì tôi tin rằng nó sẽ hoàn toàn có thể tạo ra các giá trị tích cực cho tất cả mọi người và thu được những sự đồng thuận từ phía xã hội.
Như vậy là trong một xã hội hiện đại, chữ Hiếu cũng phải được hiểu khác đi, được biểu hiện khác đi?
- Thực tế cho thấy việc “báo hiếu” cha mẹ trong mô hình tại gia đình hiện nay đâu phải hoàn toàn đạt được các giá trị tích cực khi nhiều cụ đang bị giam hãm trong bốn bức tường của những tòa chung cư cao tầng, bị biến thành “ô sin” bất đắc dĩ của gia đình, phải luôn thay đổi để phù hợp với lối sống con cháu, phụ thuộc vào quỹ thời gian mà con cháu dành cho họ. Trong khi ngược lại, nếu định hướng phát triển nhà dưỡng lão tốt thì có thể kết hợp, gia tăng tính lưu động theo thời hạn của người cao tuổi ở cả hai mô hình.
Về thực chất, việc con cái gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão có phải là cách giải quyết các “mâu thuẫn thế hệ” không, thưa anh?
- Hiện nay có rất nhiều cách hiểu sai lệch về nhà dưỡng lão của những người trong cuộc. Điều dễ nhận thấy nhất đó là sự cô lập của mô hình nhà dưỡng lão đối với phần còn lại của xã hội làm người ta quan niệm đó là nơi con cái từ chối trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ, là những trung tâm an dưỡng, chờ đợi cho sự “ra đi” của người cao tuổi. Và thực tế cho thấy nếu chúng ta tiếp tục có những định hướng phát triển như vậy thì đương nhiên đó là một sự sai lệch giá trị, góp phần gia tăng các vấn đề mặt trái, tiêu cực, sự khủng hoảng trong các mối quan hệ gia đình và thế hệ. Tâm lý người cao tuổi thì sợ hãi khi nói đến nhà dưỡng lão, trong khi con cái lại coi đó là giải pháp tốt để giải quyết mâu thuẫn, xung đột thế hệ và có những lý do hợp pháp để xa lánh bố mẹ.
Điều kiện sống được nâng cao nên tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng lên. Theo anh cần có một lời giải nào cho “bài toán” nhà dưỡng lão?
- Cũng như nhiều nước hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng lên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người già ngày càng có mặt nhiều hơn trong xã hội. Tất nhiên, hiện tượng “người già” đã không chỉ trở thành một vấn đề xã hội phức tạp hơn, mà còn tác động sâu rộng đến hàng loạt các lĩnh vực của đời sống cá nhân, gia đình, các thiết chế xã hội và hệ thống chính sách quản lý, phát triển con người.
Có thể thấy, cùng với thực tế khách quan này, sự phát triển của mô hình nhà dưỡng lão với tư cách là dịch vụ xã hội quan trọng dành cho người cao tuổi là một xu hướng tất yếu và không thể thiếu của xã hội hiện đại. Theo suy nghĩ cá nhân tôi, vấn đề cần tranh luận là chúng ta nên lựa chọn, khuyến khích mô hình nhà dưỡng lão nào để đem lại hiệu quả, cũng như giá trị tích cực cho người cao tuổi nói riêng và xã hội nói chung.
Xin cảm ơn anh!