Theo lộ trình thực hiện bệnh án điện tử giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, bắt đầu từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế sẽ bắt đầu sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế cho sổ khám bệnh.
Hồ sơ bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích.
100% bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh
Tại hội nghị “Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí” vừa diễn ra, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cho biết, hiện 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 86,2% bệnh viện triển khai phần mềm quản lý điều hành (văn bản điện tử, thư điện tử,…).
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Bộ Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế. Hiện, hơn 99,5% cơ sở y tế trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, hồ sơ bệnh án điện tử sẽ là một đột phá lớn trong ngành y tế, giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh; tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của các y, bác sĩ.
Theo đó, mỗi người bệnh được cấp một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điệnt ử phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dụng thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử, đồng thời, tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.
Lộ trình của Bộ Y tế, dự kiến, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử sẽ được hoàn thành trước ngày 31/12/2030.
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Được biết, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là một nội dung quan trọng sẽ được Bộ Y tế triển khai trong thời gian tới. PGS.TS Trần Quý Tường cho hay, khi thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, sẽ tạo thuận lợi cho cả bệnh viện và người bệnh khi đến khám, chữa bệnh.
Với bệnh viện, hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ giúp đơn giản hoá các thủ tục cho người dân; bệnh viện phục vụ bệnh nhân được tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thanh toán bằng tiền mặt; giảm bớt chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả. Từ đó, rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện và hồ sơ bệnh án điện tử.
Đối với người dân, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt không chỉ giúp bệnh nhân tiết kiệm được thời gian, không phải chờ lâu mà còn hạn chế được tình trạng bệnh nhân xếp hàng đợi thanh toán, cầm theo nhiều tiền mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Chia sẻ về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, GS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, dịch vụ thanh toán bằng thẻ bảo lãnh viện phí giúp người bệnh giảm thiếu thời gian chờ đợi thanh toán, đồng thời, bệnh viện cũng dễ dàng kiểm soát nguồn thu, không tốn nhiều nhân lực để kiểm đếm tiền mặt.
Được biết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đưa vào áp dụng thí điểm giải pháp thanh toán viện phí bằng thẻ bảo lãnh viện phí tại Khoa Điều trị theo yêu cầu 1C từ tháng 9/2018. Sau gần 1 năm triển khai, đã có gần 7.000 người bệnh sử dụng thẻ bảo lãnh viện phí thay cho tiền mặt, chiếm hơn 40% số người bệnh đến khám. Gần đây, tỷ lệ sử dụng thẻ bảo lãnh viện phí thay cho tiền mặt ngày càng cao do nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thấy được lợi ích của việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Với hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, bệnh viện thì giảm thiểu được các thủ tục rườm rà còn bệnh nhân tiết kiệm được thời gian, công sức.