Theo thống kê của các bộ ngành, cả nước có khoảng 96% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là tỷ lệ cao. Để DN phát triển, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó quan tâm đến DNNVV và đạt được kết quả đáng ghi nhận: đóng góp 42% GDP, 39% xuất khẩu, 38% vốn đầu tư, giải quyết 45% tổng số lao động. Tuy nhiên, cộng đồng DN này vẫn gặp nhiều khó khăn khi phát triển.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thêm những chính sách hỗ trợ thiết thực để phát triển.
Mong muốn cộng đồng DN ngày càng lớn mạnh hơn, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập vào nền kinh tế không biên giới góp phần tăng trưởng kinh tế trong nước, Chính phủ quyết định thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù khá đông về số lượng DN song sức khỏe của DN không ổn định, thiếu bền vững. Tình trạng DN chủ động gia nhập thị trường và số lượng DN “xin chết” cũng ngang ngửa nhau. Trường hợp không gia cố, xây dựng, phát triển thì khó có một cộng đồng DN lớn mạnh cả về chất lẫn lượng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhiều tỉnh- thành chủ động lên kế hoạch xây dựng và phát triển cộng đồng DN, thế nhưng không ít ý kiến nhận định, kế hoạch trên khó về đích.
Lý do, sức khỏe của DN chưa thật sự ổn định. Tính đến cuối năm 2016, cả nước 513 ngàn DN còn hoạt động, 428 ngàn DN ngừng hoạt động. Số DN ngưng hoạt động tăng trong 3 năm gần đây. Cuối năm 2016, tại buổi đối thoại với DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định, 50% DN đang ở tình trạng kinh doanh thua hoặc hòa vốn, 42% có lãi. 42% DN có lãi là điều không bình thường cho thấy hiệu quả kinh doanh quá thấp.
Nói về khó khăn của cộng đồng DNNVV Việt Nam các chuyên gia kinh tế cho biết, có nhiều nguyên nhân cố hữu kiềm hãm sự phát triển của DN. Thứ nhất, lạm phát liên tục kéo giảm trong nhiều năm qua nhưng nguồn vốn đến DN khá trầy trật. DN nào chạm được nguồn vốn ngân hàng cũng phỏng tay vì lãi suất khá cao, dao động ở mức 8 - 10%, trong khi đó ở một số nước trong khu vực như Philipines lãi suất chỉ 2,2%, Malaysia 2,1%.
Ngoài “khát vốn” đầu tư kinh doanh, cộng đồng DN còn ám ảnh và cảm thấy không lớn nổi vì rào cản hành chính bao vây. Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua khi bàn về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, đại biểu nhấn mạnh đến việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Khẳng định vốn cho DNNVV vẫn ách tắc, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu con số khu vực này chiếm đến 90% tổng số DN nhưng dư nợ chỉ khoảng 27%.
Ngoài khó khăn về tài chính, DNNVV còn gặp khó trước hàng loạt quy định hành chính liên quan chậm đơn giản buộc DN lòng vòng giải quyết tốn thời gian. Chưa dừng lại ở đó, thời gian qua thông qua những cuộc khảo sát mới hiểu rõ cộng đồng DNNVV còn phải “cõng” chi phí không chính thức. Theo đó, DN phải chi trả chi phí không chính thức, “bôi trơn” lên đến 10% doanh thu trung bình của một năm.
Bức xúc về cách “hành” nhẹ nhàng mà tốn kém thông qua thủ tục hành chính, nhiều DN than phiền, bộ ngành cứ nói cải cách để hội nhập, cải cách để gia tăng tính cạnh tranh, song DN không ngừng khốn khổ vì phí “bôi trơn”. Và, hàng loạt rào cản chính sách quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh đẩy DN rơi vào tình trạng “một cổ nhưng mấy tròng”… Khó khăn vây bủa, cho nên DN chỉ muốn đầu tư và sản xuất cầm chứng vì theo DN, quy mô đầu tư càng lớn thì tỷ lệ tiêu tốn càng cao do cơ quan chức năng thường xuyên “hỏi han”.
Trước những rào cản chậm được tháo gỡ nhằm hỗ trợ cộng đồng DN không ít người quan ngại, kế hoạch cả nước phát triển lên 1 triệu DN trong năm 2020 chưa chắc thành hiện thực. Đặc biệt kế hoạch phát triển DN từ hộ kinh doanh cá thể có phần không đơn giản.
Đơn cử, tại TP HCM sau thời gian dài tuyên truyền chuyển đổi đến nay số hộ cá thể đồng ý lên DN đếm trên đầu ngón tay. Bởi vì, đa phần các hộ cá thể kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, không ốn định, thiếu vốn xoay vòng, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Lãnh đạo các quận/ huyện cho biết thêm, hộ kinh doanh cá thể khó khăn chuyển sang doanh nghiệp vì hạn chế về quản lý, sử dụng lao động trên 10 người nhưng không ổn định; nguyên liệu đầu vào không hóa đơn, chứng từ; khó khăn về thủ tục thuế,…
Ngoài ra, dù kêu gọi chuyển đổi mô hình kinh doanh cá thể sang hình thức DN nhưng thiếu những chính sách hỗ trợ đi kèm. Nhận thức khó khăn mà hộ kinh doanh cá thể đang gặp phải, lãnh đạo thành phố chủ động lên kế hoạch hỗ trợ kê khai, báo cáo thuế, chữ ký số, phần mềm kế toán,… song cộng đồng DN đang cần nhất chính là cải cách thủ tục hành chính.
Ông Chu Tiến Dũng- Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM cho rằng: “DN hoàn toàn có thể lớn và phát triển tốt cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm. Thế nhưng điều cần thiết nhất vẫn là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chúng tôi tiếp tục trông chờ vào hiệu quả thực hiện”.
Theo kết quả khảo sát của VCCI, cả nước hiện có 77% DN siêu nhỏ, 68% DN đi lên từ hộ kinh doanh cá thể. Tỷ lệ này gặp khá nhiều khó khăn trong kinh doanh, vì vậy họ đang chờ đợi sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV với các chính sách cụ thể làm “bệ đỡ” cho sự phát triển.
Trong đó, mong muốn tập trung đơn giản hóa thủ tục một cách tối đa, giảm chi phí không chính thức và chính thức, phát triển kinh tế thị trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Đặc biệt, cần có những đặc thù cho hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp và DN siêu nhỏ.
Bức xúc về cách “hành” nhẹ nhàng mà tốn kém thông qua thủ tục hành chính , nhiều DN than phiền, bộ ngành cứ nói cải cách để hội nhập, cải cách để gia tăng tính cạnh tranh, song DN không ngừng khốn khổ vì phí “bôi trơn”. Và, hàng loạt rào cản chính sách quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh đẩy DN rơi vào tình trạng “một cổ nhưng mấy tròng”… Khó khăn vây bủa, cho nên DN chỉ muốn đầu tư và sản xuất cầm chừng vì theo DN, quy mô đầu tư càng lớn thì tỷ lệ tiêu tốn càng cao do cơ quan chức năng thường xuyên “hỏi han”. |