Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Đinh Duy Hòa- chuyên gia Bộ Nội vụ cho rằng: Thời gian tới cần chú ý triển khai cải cách thể chế, các quy định của luật pháp, thủ tục hành chính, hướng tới việc phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Ông Hòa cũng nêu vấn đề: các Bộ báo cáo Chính phủ rằng quá trình rà soát, đơn giản thủ tục hành chính là “ngon lành”, đúng quy trình, đúng thời hạn. Vậy sao người dân và doanh nghiệp vẫn kêu?
TS Đinh Duy Hòa.
PV:Theo ông cơ chế chính sách của ta hiện nay đã đủ cho cải cách hành chính hay chưa?
TS Đinh Duy Hòa: Về cơ bản các văn bản cũng tương đối đầy đủ. Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ có ban hành Kế hoạch cải cách hành chính trong giai đoạn 2016-2020; rồi Chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này. Nhiều tỉnh, thành cũng đều có Nghị quyết, Chỉ thị. Như vậy các văn bản là đầy đủ. Nhưng cái mà chúng ta thấy là trong mấy chục năm qua khâu tổ chức thực hiện có vấn đề.
Tôi nói ví dụ thế này, thi công chức quy định tương đối đầy đủ, rồi có học tập từ kinh nghiệm nước ngoài tuy nhiên tổ chức thực hiện lại có tiêu cực, hay thi nâng ngạch cũng vậy. Do đó phải cố gắng bảo đảm việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật theo tinh thần cải cách để làm sao cho nó tốt hơn. Nếu phát hiện tiêu cực phải xử lý kịp thời thì mới bảo đảm tính kỷ luật trong hành chính được.
Lâu nay khâu đánh giá thực hiện vẫn được coi là khâu yếu của ta, đơn cử như tiêu chí đánh giá cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, theo đánh giá chỉ có 0,4% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy ngay tiêu chí đánh giá của ta hiện nay cũng đang có vấn đề.
Cụ thể hơn câu chuyện đánh giá kết quả cải cách bộ máy hành chính. Bây giờ chúng ta dựa vào cái gì để đánh giá? Về mặt nguyên tắc, muốn đánh giá kết quả cải cách bộ máy hành chính trong những năm qua, phải xem kết quả chúng ta dự kiến phải đạt đã rõ chưa. Tức là nó phải có kết quả dựa trên dự kiến thì mới đánh giá được.
Riêng phần này hệ thống hành chính chúng ta nói chung và riêng mảng đánh giá kết quả nhiều lúc chưa rõ, còn quá chung chung. Kết quả phải đạt chưa rõ, dựa vào đấy mà đánh giá thì rất khó. Cho nên buộc phải mô tả một số kết quả phải đạt, coi như đấy là cái đánh giá, và dựa trên cơ sở đó đưa ra công cụ tiêu chí để đo lường mức độ có đạt được hay không?
Ví dụ bộ máy của Chính phủ, rồi các Bộ, tập hợp số liệu thống kê năm 2011 cho thấy có 300 đầu mối bên trong các Bộ gồm: Vụ, Tổng cục, Cục thì năm 2016 chúng ta thống kê trở lại xem số liệu đầu mối là 300 hay 250? hay là 350? Như vậy chúng ta mới có căn cứ để nói kết quả là giảm đi hay tăng lên. Từ đó mới thấy thông qua cải cách bộ máy thì hoạt động có cải thiện hơn không?
Là thành viên của Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, để kết quả giám sát tốt hơn theo ông thời gian tới nên tập trung vào vấn đề gì trong quá trình giám sát?
- Đầu tiên ta phải lựa chọn những chủ trương, chính sách. Vì chính sách về cải cách bộ máy có rất nhiều nhưng bây giờ lựa chọn ra 3-5 chính sách quan trọng nhất. Từ đó dẫn đến thể chế của 3-5 chính sách này là loại pháp luật gì.
Như vậy lựa chọn xong chính sách thì lựa chọn pháp luật. Sau đó xem tổ chức thực hiện chính sách pháp luật ở các Bộ được cụ thể hóa ra như thế nào? Kết quả đạt được ra sao? Cái gì đo lường kết quả ấy? Chỗ này nó liên hệ với nhau thành chuỗi hết sức quan trọng.
Tôi đề nghị tập trung vào những chính sách lớn như: Bộ đa ngành, đa lĩnh vực; chính sách bộ máy sao cho gọn nhẹ; chính sách phân cấp phân biệt chính quyền địa phương với chính quyền nông thôn; rồi chính sách về xã hội hóa. Đó là những chính sách quan trọng chi phối hướng cụ thể của bộ máy thông qua cải cách.
Thông qua các chính sách đó là Luật thể hiện chính sách như: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; rồi Nghị định mà Chính phủ ban hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ; Nghị định về chức năng nhiệm vụ của các sở ở các tỉnh và phòng tại cấp huyện.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên giảm số lượng các Bộ theo hướng Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Theo ông, chúng ta có giảm được các Bộ như các nước đang làm không?
- Nếu làm thì vẫn có khả năng giảm được. Một vài Bộ có thể xem xét hợp nhất lại cho gọn hơn. Chắc chắn là có thể làm được tuy nhiên nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nhân sự con người. Vì một vị Bộ trưởng được đưa lên để đứng đầu một Bộ đa ngành thì năng lực trình độ của vị Bộ trưởng ấy có làm được hay không, cũng hết sức quan trọng.
Rồi trên cơ sở tổ chức hợp lý bên trong Bộ để giúp Bộ trưởng quản lý các ngành lĩnh vực được sáp nhập từ nhiều Bộ. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng đầu tiên phải là quyết tâm chính trị. Đảng quyết tâm làm, chỉ đạo bên Chính phủ nghiên cứu đề xuất. Nếu điều kiện tính thấy chưa đủ thì phải đáp ứng dần dần.
Thưa ông chúng ta có nhiều Bộ nhưng có việc mâm cơm gia đình 3 Bộ chưa rõ ai chịu trách nhiệm; hay nuôi tôm hùm đỏ cũng chưa rõ ai chịu trách nhiệm. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề cho nên chúng ta phải tính để sắp xếp lại để quy rõ trách nhiệm?
- Chắc chắn rồi. Nếu đi vào chi tiết, rà soát từng cơ quan hành chính đang làm xem những việc ấy đang chồng chéo, “ông này với vào ông kia” hay không? Rồi có chồng chéo giữa Trung ương và địa phương hay không? Như thế thì mới phát hiện ra. Nhưng điều quan trọng là thực tế cho thấy nếu tự để cho bản thân các Bộ, các Sở thấy việc đang làm trùng với cơ quan khác để từ đó kiến nghị thì kết quả rất thấp.
Thường ở các nước những việc ấy là phía Chính phủ thuê 1 người ở bên ngoài, hay tư nhân vào làm thì lúc đó phát hiện dễ hơn. Vì họ khách quan nhìn thấy những việc không cần thiết và kiến nghị khách quan. Chứ như ta để các Bộ tự làm, rồi phản ánh để đề xuất là chưa chuẩn lắm.
Theo ông thời gian tới trong cải cách bộ máy hành chính chúng ta cần tập trung vào những vấn đề cụ thể nào?
- Thời gian tới cần chú ý triển khai cải cách thể chế, các quy định của luật pháp xem quy định như vậy đã ổn chưa? Rồi thủ tục hành chính. Các Bộ báo cáo Chính phủ: Rà soát, đơn giản thủ tục hành chính là “ngon lành”, đúng quy trình, đúng thời hạn. Vậy sao người dân và doanh nghiệp vẫn kêu. Tức là chúng ta nghĩ rằng đã đơn giản hóa nhưng người dân và doanh nghiệp thấy vẫn chưa thỏa đáng. Rồi ở mảng cán bộ công chức viên chức, đặc biệt là đặt ra trong bối cảnh lương cán bộ công chức chưa đủ sống.
Cho nên chỗ này chúng ta cũng phải lưu ý ở mảng cải cách con người, tạo động lực thực sự để người có năng lực, tâm huyết với công vụ làm việc thực sự. Còn những người không tâm huyết trách nhiệm, không có năng lực thì phải đưa ra khỏi bộ máy. Từ thể chế tổ chức cho đến cải cách, đơn giản thủ tục hành chính chúng ta phải tiếp tục làm.
Tôi cho rằng Chính phủ cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cơ quan hành chính. Nếu làm tốt sẽ góp phần cải thiện không chỉ ở bên trong nội bộ cơ quan hành chính mà còn tác động ngay tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Dịch vụ công cấp độ 4 của ta so với các nước còn quá ít cho nên bây giờ phải đẩy mạnh lên. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần ngồi nhà vào mạng liên hệ khai báo hồ sơ trên mạng, rồi chờ nhận kết quả. Có nhiều dịch vụ kiểu này chắc chắn đánh giá của người dân và doanh nghiệp sẽ khác.
Trân trọng cảm ơn ông!